Viễn cảnh nợ công vẫn ảm đạm sau quyết định của EU

Sau khi EU thông qua gói cứu trợ 100 tỷ euro, thị trường chứng khoán EU đã liên tục giảm điểm, đồng euro rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua.

Giới đầu tư vẫn tỏ thái độ hoài nghi sau khi các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro hôm qua (20/7) thông qua gói cứu trợ trị giá 100 tỷ euro, tương đương 122 tỷ USD dành cho Tây Ban Nha nhằm hỗ trợ các ngân hàng đang khó khăn của nước này. Thị trường chứng khoán châu Âu ngay sau đó đã liên tục giảm điểm trong khi đồng euro rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua.

Thị trường tài chính Tây Ban Nha, tâm điểm của nợ công châu Âu tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Chỉ số chứng khoản Ibex của nước này giảm 4,2% trong phiên giao dịch. Chỉ số chứng khoán FTSE của Anh giảm hơn 1% xuống còn 5,655.04. Chỉ số chứng khoán DAX của Đức cũng mất 1,2% xuống còn 6,678.55 điểm. Chỉ số chứng khoán Pháp và Italia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đồng euro trong khi đó giảm 0,9% so với đồng đô la Mỹ, mức giao dịch thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Ngay sau quyết định này của Liên minh châu Âu, chính quyền Valencia, một khu vực quan trọng song ngập trong nợ nần của Tây Ban Nha đã tuyên bố sẽ trở thành đơn vị đầu tiên sử dụng nguồn quỹ này để giải quyết bất ổn kinh tế.

Theo đánh giá của giới phân tích, tuyên bố này của chính quyền khu vực Valencia sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với thị trường. Chuyên gia Phân tích tài chính Tây Ban Nha Pablo de Barrio cho rằng: “Hành động này của chính quyền Valencia sẽ tiếp tục tạo thêm sự thiếu tin tưởng của giới đầu tư đối với tình hình kinh tế Tây Ban Nha và khu vực châu Âu. Mặc dù, việc chính quyền các địa phương Tây Ban Nha xin cứu trợ từ chính phủ trung ương là một điều có thể dự đoán được song khi thực tế này xảy ra người ta khó có thể chấp nhận sự thật là chính phủ Tây Ban Nha  phải giải cứu Valencia và tình hình kinh tế của khu vực này đang ở mức đáng lo ngại”.

Chịu tác động từ sự bùng nổ bong bóng bất động sản năm 2008, kinh tế Tây Ban Nha đang trải qua thời kỳ suy thoái thứ hai trong 4 năm qua, khiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 24% lực lượng lao động. “Xứ sở Bò tót” đã trở thành quốc gia thứ Tư, sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Island, buộc phải xin cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo chính phủ Tây Ban Nha, suy thoái kinh tế của Tây Ban Nha sẽ còn tiếp tục đến năm 2013./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên