Việt Nam đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và nghĩa vụ bảo vệ môi trường
VOV.VN - Ủy ban các vấn đề pháp lý quốc tế (Ủy ban 6) Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 77 ngày 26/10 đã tổ chức phiên thảo luận toàn thể về chủ đề Báo cáo của Ủy ban Luật pháp quốc tế với sự tham gia phát biểu của gần 70 nước và tổ chức quốc tế.
Các nước đã hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban Luật pháp quốc tế trong việc pháp điển và phát triển luật quốc tế trong các lĩnh vực quan trọng của luật quốc tế. Trong năm 2022, Ủy ban đã thông qua dự thảo 23 kết luận về xác định và hệ quả pháp lý của các quy phạm bắt buộc của luật quốc tế (jus cogens) và dự thảo 27 nguyên tắc về bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang.
Phát biểu tại cuộc họp, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh 7 nguyên tắc cơ bản được nêu tại Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Tuyên bố năm 1970 về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia cần được đưa vào Danh sách các quy phạm bắt buộc. Các quy phạm bắt buộc phải được sự chấp nhận và công nhận của đa số của các quốc gia đại diện cho các khu vực, các nền văn hoá, các hệ thống pháp luật với trình độ phát triển khác nhau.
Về các nguyên tắc bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, ông Nguyễn Minh Vũ nêu, đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam rất thấu hiểu hậu quả kéo dài của xung đột vũ trang ảnh hưởng lên môi trường và ủng hộ việc Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc xác định các nguyên tắc bảo vệ môi trường trước, trong, và sau khi xảy ra xung đột vũ trang.
Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh quốc gia, các doanh nghiệp và tổ chức đã gây tổn hại đối với môi trường trong xung đột vũ trang cần có trách nhiệm phục hồi môi trường thông qua các hoạt động đánh giá tác động môi trường sau xung đột vũ trang; loại bỏ chất độc còn sót lại sau chiến tranh, rà phá bom, mìn, cứu trợ và giúp đỡ cũng như đền bù đầy đủ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng.../.
Ủy ban các vấn đề pháp lý quốc tế (Ủy ban 6) là một trong 6 ủy ban chính của ĐHĐ Liên Hợp Quốc, gồm đại diện của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, có chức năng xem xét, thảo luận và góp phần thúc đẩy phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế. Tại kỳ họp lần này Ủy ban 6 dự kiến thảo luận 24 đề mục, trong đó có các chủ đề đáng chú ý như hoạt đông của Ủy ban luật pháp quốc tế, Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc, các biện pháp loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, ngăn ngừa tội ác chống nhân loại…/.