Vụ 16 người chết: Cảnh sát Hàn Quốc khám xét tòa soạn báo
VOV.VN -"Việc khám xét nhằm tìm kiếm tất cả các chi tiết nhỏ nhất cho cuộc điều tra, chứ không phải vì có nghi ngờ họ liên quan đến tội giết người"
Cảnh sát Hàn Quốc hôm nay (19/10) tiến hành khám xét văn phòng của báo điện tử, đơn vị đã tổ chức buổi hòa nhạc để xảy ra vụ sập hầm thông gió khiến 16 người chết, để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Khoảng 60 cảnh sát điều tra đã được cử đến khoảng 10 cơ sở, trong đó có trụ sở chính tại Seoul của báo điện tử thương mại Edaily và kênh truyền hình Edaily TV, cảnh sát cho biết.
Cảnh sát cho biết sẽ khám xét cả Viện Xúc tiến Khoa học & Công nghệ Gyeonggi, nhà và xe hơi của các cán bộ tổ chức sự kiện.
"Việc khám xét này nhằm tìm kiếm tất cả các chi tiết nhỏ nhất cho cuộc điều tra, chứ không phải vì có nghi ngờ họ liên quan đến tội giết người”, một sĩ quan cảnh sát điều tra cho biết. Tất cả các cuộc tìm kiếm, khám xét là để tìm các yếu tố tham chiếu, chứ không có tính chất nghi ngờ, sĩ quan này nói thêm.
Tuy nhiên, cảnh sát đã yêu cầu 6 người không được rời khỏi Hàn Quốc để sẵn sàng phục vụ cho cuộc điều tra.
Ban Tổ chức cho biết, khoảng 700 người đã tham dự buổi hòa nhạc với nhiều ban nhạc Hàn Quốc tham gia, trong đó có nhóm nhạc nữ 4Minute.
Kết qua điều tra sơ bộ của Cảnh sát tỉnh Gyeonggi cho thấy, không hề có nhân viên bảo vệ an toàn tại địa điểm xảy ra tai nạn.
Cảnh sát đã phỏng vấn khoảng 20 cán bộ của cơ quan báo chí, viện khoa học, chính quyền tỉnh Gyeonggi và thành phố Seongnam, cũng như các nhà quản lý khác của Thung lũng Pangyo Techno cuối tuần qua để xác định xem chính xác những gì đã xảy ra.
"Không hề có nhân viên bảo vệ an ninh tại đó, mặc dù họ dự trù là có 4 người", đội điều tra cho biết. "Bốn người được đưa ra trong danh sách nhân viên bảo vệ không biết công việc của họ có phải là nhân viên bảo vệ hay không".
"Một tai nạn bất ngờ đã xảy ra do sơ suất và vấn đề về xây dựng", ông nói với các phóng viên báo chí trong cuộc họp với Thống đốc tỉnh Gyeonggi và thị trưởng thành phố Seongnam về biện pháp giải quyết sự cố. "Là một công ty báo chí có trách nhiệm và tổ chức sự kiện, chúng tôi xin chịu mọi trách nhiệm".
Vụ sập hầm thông gió gây chết người xảy ra 6 tháng sau khi vụ chìm phà Sewol, làm thiệt mạng hơn 300 người, chủ yếu là học sinh trung học.
Công chúng Hàn Quốc đã vô cùng tức giận sau vụ chìm phà, và cáo buộc chính phủ phản ứng chậm trễ khi giải quyết vụ vụ tai nạn, một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất của nước này.
Tai nạn sập hầm thông gió này cũng sẽ làm nóng lên các cuộc tranh cãi về sự thiếu an toàn.
Hồi năm 2005, 11 người thiệt mạng và 70 người khác bị thương ở thành phố Sangju, cách thủ đô Seoul 270 km về phía nam, khi 10.000 người dân đổ xô vào sân vận động để xem một buổi hòa nhạc. Kết quả cuộc điều tra khi đó cho thấy không có nhân viên cảnh sát hoặc nhân viên bảo vệ an ninh nào có mặt tại nơi xảy ra tai nạn./.