Vụ bắt cóc tại Mali: Khủng bố cố thủ, ít nhất 8 người thiệt mạng
VOV.VN - Chính phủ Mali vừa ra thông cáo xác nhận vụ tấn công bắt cóc tin tại một khách sạn ở thành phố Sévaré, miền Trung Mali.
Tới thời điểm này, những kẻ tấn công vẫn đang cố thủ trong tòa nhà và hiện đã có ít nhất 8 người thiệt mạng.
Thông cáo nêu rõ, lúc 7h hôm qua (7/8) giờ địa phương, một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra nhằm vào khách sạn Byblos ở Sévaré, cách thủ đô Bamako hơn 600km, nơi đóng quân của Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali.
Báo cáo tạm thời cho thấy, đã có 5 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương về phía quân đội Mali.
Hai tay súng khủng bố đã bị tiêu diệt và cảnh sát cũng đã bắt giữ 7 đối tượng tình nghi.
Cùng lúc, Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali đã lên án vụ tấn công khủng bố tại Sévaré, làm 1 binh sĩ thuộc lực lượng quốc tế này thiệt mạng, song không nêu rõ quốc tịch.
Trước đó, tối qua, một nguồn tin quân sự Mali cho biết, đã có ít nhất 8 người thiệt mạng, trong đó có 2 kẻ khủng bố và 3 người khác, song quân đội vẫn chưa thể tiếp cận khu vực khách sạn. Vụ tấn công vẫn đang diễn ra và vì thế chưa thể xác định chính xác số người ở trong khách sạn.
Các nguồn tin quân sự Mali cho biết, ít nhất 5 người nước ngoài, trong đó có 3 người Nam Phi, 1 người Pháp và 1 người Ukraine đã tới đăng ký ở khách sạn trước khi vụ tấn công xảy ra, trong khi vẫn chưa xác định được số người Mali có mặt tại khu vực. Đại sứ quán Nam Phi cũng đã liên hệ với chính quyền Mali, trong khi một nhà ngoại giao Nga tại Bamako cho biết, một công dân Nga, làm việc cho công ty hàng không Utair phối hợp với Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali có mặt trong khách sạn Byblos. Quân đội Mali đã phong tỏa khu vực xung quanh khách sạn, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh trong thành phố.
Sévaré là một thành phố chiến lược ở miền Trung Mali khi nằm cách điểm nóng Mopti chỉ khoảng 10km, nơi từng chứng kiến nhiều vụ bắt cóc con tin phương Tây và từ đầu năm 2012 đã bị rơi vào tay các nhóm cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Từ đầu năm nay, các tay súng nổi dậy đã mở rộng hoạt động sang miền Trung và từ tháng 6 là sang phía Nam, gần biên giới Bờ biển Ngà và Burkina Faso./.