Vụ hành quyết con tin ở Philippines và mối lo Hồi giáo cực đoan
VOV.VN - Vụ việc ở Philippines khiến người ta lo ngại, liệu tư tưởng cực đoan của IS đã lan tới đâu trong lòng châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 13/6 chính thức khẳng định việc con tin Robert Hall, công dân Canada đã bị phiến quân Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines sát hại.
Đây không phải là vụ hành quyết đầu tiên mà nhóm phiến quân thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng này tiến hành. Vụ hành quyết này đã làm dấy lên những mối lo ngại về tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang ngày lan rộng ở Đông Nam Á.
Con tin người Canada Robert Hall (trái). (Ảnh: AP)
Trong một tuyên bố sau khi có thông tin về vụ hành quyêt con tin Robert Hall, Thủ tướng Trudeau tái khẳng định chủ trương không trả tiền chuộc của chính phủ Canada. Ông Trudeau nhấn mạnh, việc bắt giữ con tin của những kẻ khủng bố chỉ nhằm gieo rắc bất ổn và bạo lực và Canada sẽ không lùi bước.
Ông Trudeau nói: “Canada sẽ không trả tiền chuộc cho những kẻ khủng bố. Chúng ta sẽ không để cho hình ảnh lá phong đỏ đầy tự hào bị hủy hoại và hơn 3 triệu người dân Canada ở nước ngoài trở thành các mục tiêu của khủng bố. Canada cam kết hợp tác với chính phủ Philippines cũng như các đối tác quốc tế để đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm về việc này ra trước pháp luật cho dù nó sẽ mất nhiều thời gian”.
Con tin Robert Hall bị giết sau khi Abu Sayyaf không nhận được khoản tiền chuộc 12,8 triệu USD trước thời hạn chót 15h ngày 13/6. Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines thông báo đã sát hại Robert Hall và cho biết thi thể của nạn nhân “sẽ được tìm thấy ở đâu đó tại thị trấn Jolo vào ngày 13/6”.
Tuy nhiên đến tối cùng ngày, lực lượng cảnh sát Philippines vẫn chưa tìm thấy thi thể của ông Hall sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm. Hồi cuối tháng 4, nhóm khủng bố này cũng đã sát hại một công dân Canada khác là John Risdell.
Abu Sayyaf là nhóm phiến quân Hồi giáo ly khai có căn cứ tại đảo Jolo và Basilan của Philippines. Kể từ khi thành lập vào đầu thập niên 1990, nhóm này bị cáo buộc đã thực hiện nhiều vụ đánh bom, bắt cóc tống tiền và sát hại dã man những con tin bị chúng bắt giữ.
Từ năm 2003, Canada đã liệt nhóm này vào danh sách các nhóm khủng bố. Mức độ bành trướng và sự hung bạo của nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã trở thành một vấn đề nóng tại Philippines hiện nay.
Vụ hành quyết ông Robert Hall là vụ thứ 4 sau khi Abu Sayyaf tuyên bố trung thành với IS. Trong tháng 4, Abu Sayyaf cũng đã chặt đầu 2 con tin người Philippines với cáo buộc làm gián điệp. Chặt đầu các con tin là hình thức hành quyết dã man mà thế giới chứng kiến khi IS bắt đầu trỗi dậy trong vài năm trở lại đây.
Vụ việc ở Philippines khiến người ta lo ngại, liệu tư tưởng cực đoan của IS đã lan tới đâu trong lòng châu Á nói chung và cụ thể ở đây là Đông Nam Á. Khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là ở Indonesia, Philippines và Malaysia. Do đó, sự thâm nhập của IS vào khu vực Đông Nam Á không phải là điều bất ngờ.
IS cũng không ngừng tiến hành các chiến dịch tuyên truyền và tuyển mộ trên khắp thế giới, trong đó có cả khu vực Đông Nam Á, thông qua mạng xã hội, bao gồm Facebook. Với tầm ảnh hưởng lớn và khó kiểm soát, tư tưởng Hồi giáo cực đoan của IS có thể được tuyên truyền cho những người dân theo đạo Hồi để họ tham gia vào phong trào thánh chiến. Nếu xu hướng này không được quan tâm đúng mức, nó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh khu vực./.