Vũ khí tiếp theo Trung Quốc sử dụng trong xung đột thương mại với Mỹ
VOV.VN-Trung Quốc, nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, tạm dừng mua đậu nành từ các nguồn cung cấp của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang.
Nguồn tin từ SCMP cho biết, các công ty nhập khẩu quốc doanh Trung Quốc không nhận được thêm yêu cầu nào từ Bắc Kinh về "nhập khẩu thiện chí" đậu tương Mỹ. Trung Quốc cũng được cho là sẽ không sớm nối lại việc mua đậu tương Mỹ do việc đàm phán thương mại giữa hai nước đang ở trong tình trạng ngưng trệ. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện không có kế hoạch hủy bỏ các đơn đặt hàng trước đó, nguồn tin nói.
Đậu nành ở Brazil có thể sẽ thay thế đậu Mỹ vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc hồi đầu tháng 5, tăng thuế quan đối với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nước này, khiến Bắc Kinh trả đũa bằng chương trình thuế tương tự lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Ông Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tháng 6 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Giới quan sát kỳ vọng, tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo sẽ tìm ra một giải pháp tiềm năng cho cuộc chiến thương mại hiện tại. Tuy nhiên, với căng thẳng hiện nay, chưa ai có thể dám chắc về kết quả cuộc gặp, thậm chí Trung Quốc cũng chưa từng xác nhận liệu một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo có diễn ra hay không.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, Trung Quốc mua khoảng 13 triệu tấn đậu nành Mỹ sau khi hai bên "đình chiến" vào tháng 12/2018, trong một động thái cho thấy thiện chí của Trung Quốc đối với việc giải quyết tranh chấp thương mại hai bên.
Hồi tháng 2/2019, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ (USDA) Sonny Perdue tuyên bố rằng Trung Quốc cam kết mua thêm 10 triệu tấn đậu nành Mỹ, nhưng việc mua bán hiện dừng lại. Dữ liệu của USDA cũng cho thấy, hiện còn khoảng 7 triệu tấn đậu nành Mỹ mà họ cam kết mua trong vụ này vẫn chưa được giao.
Phát ngôn viên của các công ty nhà nước Cofco và Sinograin (những công ty mua đậu nành) chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mới nhất này. Việc hạn chế mua đậu nành Mỹ là một "đòn" trực tiếp nhắm vào cơ sở chính trị của ông Trump, theo SCMP. Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump vận động được 8 trong số 10 tiểu bang có sản lượng đậu nành lớn nhất, tất cả đều ở miền Trung Tây nước Mỹ. Iowa, bang sản xuất đậu nành lớn thứ hai sau Illinois, chuyển từ ủng hộ đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa vào năm 2016 và hoàn toàn có thể chuyển lại như cũ vào năm 2020.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng khi giá thương phẩm đậu nành giảm trong 5 năm. Hiện khu vực miền Trung phía Tây nước Mỹ cũng đang trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng. Năm 2018, thu nhập từ trang trại ở Mỹ giảm 16% xuống còn 63 tỷ USD, bằng khoảng một nửa so với năm 2013.
Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Trump tuyên bố chi 16 tỷ USD để hỗ trợ nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại leo thang. Năm 2018, Chính phủ Mỹ chi khoảng 12 tỷ USD cho hoạt động hỗ trợ này.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ý định thay thế đậu nành Mỹ bằng nguồn cung cấp của Brazil. Giá đậu nành tại cảng Paranagua (Brazil) tăng hơn gấp đôi trong tháng qua khi tốc độ xuất khẩu tăng tốc.
"Brazil sẽ cung cấp cho Trung Quốc gần như độc quyền kể từ bây giờ", Pedro Dejneka, một đối tác tại MD Commodities có trụ sở tại Chicago nói.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở nước này suy giảm, dẫn tới tiêu thụ đậu nành giảm xuống. Theo ước tính của Rabobank, Trung Quốc đã thiệt hại khoảng 30% nguồn cung thịt lợn do trận dịch./.