Vụ mất tích của nhà báo Saudi Arabia: Câu trả lời vẫn để ngỏ
VOV.VN - Vụ mất tích của nhà báo Khashoggi đã trở thành vấn đề ngoại giao căng thẳng, liên quan đến nhiều quốc gia.
Về việc nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi đột ngột mất tích, các báo cáo điều tra mới nhất cho rằng, khả năng cao ông này đã bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ như những thông tin truyền thông trước đó. Điều này có thể khiến Saudi Arabia phải hứng chịu sức ép hơn từ nhiều phía.
Nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi đột ngột mất tích. Ảnh:Reuters. |
Sau 9 giờ đồng hồ lục soát, các công tố viên của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã tìm thấy “bằng chứng về sự giết chóc” cũng như “sự xáo trộn” ở bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul. Điều này đang gây bất lợi cho phía Saudi Arabia khi kết quả điều tra mới nhất củng cố thêm những nghi ngờ trước đó.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ từng nghi ngờ 15 công dân Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc, trong đó đã xác định được danh tính 8 người. Cộng thêm với những hình ảnh từ camera an ninh và lời khai của bạn gái nhà báo Khashoggi trước đó cho thấy nhiều khả năng ông này vẫn chưa rời khỏi lãnh sự quán Saudi Arabia trước khi mất tích.
Vấn đề nhà báo Khashoggi mất tích làm dấy lên làn sóng phản đối của Mỹ và đồng minh nhằm vào Saudi Arabia. Tổng thống Mỹ Donal Trump hôm nay (16/9) đã bày tỏ quan ngại về vụ việc và mong muốn có một thông tin chính thức từ các bên có liên quan.
Tổng thống Donald Trump nói:“Tôi sẽ chờ xem họ nói gì. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia để tìm hiểu sự thật điều gì đã và đang xảy ra. Tôi đã nghe thông tin về vụ việc này, nhưng cho đến nay đó mới chỉ là tin đồn. Điều tôi muốn biết hiện nay là thông tin chính thức”.
Để làm sáng tỏ những tin đồn, Tổng thống Mỹ đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo lên đường sang Saudi Arabia gặp quốc vương Saman Abdulaziz Al Saud để trao đổi và tìm hiểu thông tin về vụ việc trên. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ và Chính phủ các nước phương Tây cũng gia tăng áp lực, yêu cầu Saudi Arabia giải thích về vụ việc. Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung, yêu cầu mở một “cuộc điều tra đáng tin cậy” để làm rõ sự thật cũng như xác định danh tính những người phải chịu trách nhiệm về vụ mất tích của ông Khashoggi.
Trong một diễn biến liên quan, cuối tuần qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tuyên bố rút hàng tỷ đô la Mỹ khỏi thị trường chứng khoán Saudi Arabia. Dư luận còn đồn đoán rằng rất có khả năng quốc gia này sẽ phải hứng chịu đòn trừng phạt kinh tế liên quan đến vụ việc.
Một số doanh nghiệp đã tuyên bố tẩy chay và không tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) dự kiến diễn ra vào ngày 23/10 tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia để phản đối hành động của chính quyền nước này.
Phản ứng trước dư luận quốc tế và các bên có liên quan, mới đây, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng, bất kỳ mối đe dọa và nỗ lực nào hòng làm suy yếu quốc gia này, cho dù đó là các đe dọa áp đặt trừng phạt kinh tế, sử dụng các áp lực chính trị sẽ gặp phải sự trả đũa mạnh mẽ. Trong khi đó, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và một số quan chức khác của Saudi Arabia thì lại cho biết, họ không nhận được thông tin gì về số phận của ông Khashoggi.
Ông Khashoggi 60 tuổi, là nhà báo từng cộng tác với nhiều tờ báo lớn trên thế giới, từng nhiều lần thể hiện quan điểm bất đồng với chính quyền Saudi Arabia và kêu gọi cải cách. Ông mất tích hôm 2/10 sau khi đến lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul để làm thủ tục kết hôn.
Vụ mất tích của ông Khashoggi đã trở thành vấn đề ngoại giao căng thẳng, liên quan đến nhiều quốc gia, đặc biệt lại diễn ra trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, với quyết tâm điều tra của chính quyền Tổng thống Erdogan và các bên có liên quan, rất có thể trong những ngày tới, thông tin về vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng./.
Mỹ tháo ngòi nổ căng thẳng với đồng minh về vụ nhà báo mất tích
Sputnik: Saudi Arabia có thể thừa nhận có vụ sát hại nhà báo