Vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên nghi thất bại, Mỹ, Hàn cân nhắc tập trận chung
VOV.VN - Sáng nay (16/3), Triều Tiên đã phóng một vật thể mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nghi là tên lửa đạn đạo; song vụ phóng được cho là thất bại khi vật thể phát nổ ngay khi rời bệ phóng.
Động thái của Triều Tiên diễn ra khi Mỹ - Hàn trước đó lo ngại Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có thể mang theo đầu đạn hạt nhân – lần đầu kể từ năm 2017. Tiến trình phi hạt nhân hóa bế tắc, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa, Mỹ - Hàn đang cân nhắc nối lại tập trận chung khiến bán đảo Triều Tiên “dậy sóng”.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, vật thể nghi tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng từ sân bay Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng vào lúc 9h30 sáng nay (theo giờ địa phương). Vụ phóng dường như thất bại khi tên lửa phát nổ trong không trung và các mảnh vỡ rơi xuống thủ đô hoặc các vùng lân cận.
Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đánh giá đây là một “vụ phóng tên lửa đạn đạo”. Quân đội Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, tránh các hành vi gây bất ổn.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) hôm nay cũng phải lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, nhấn mạnh động thái này gây ra “rủi ro nghiêm trọng” đối với hàng không dân dụng quốc tế. Là một thành viên của tổ chức này, Triều Tiên cần thông báo cho các nước lân cận về bất kỳ vụ phóng nào có thể gây rủi ro.
Đây là vụ phóng thứ 10 trong năm nay của Triều Tiên. Nó diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều bế tắc trong một thời gian dài. Dù Mỹ nhiều lần ngỏ ý muốn tiến hành các cuộc gặp với phía Triều Tiên, song không được Bình Nhưỡng hồi đáp.
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hết sức quan ngại: “Gần đây, Triều Tiên có sự phát triển đáng chú ý về các công nghệ liên quan đến tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đây không phải điều mà chúng ta có thể bỏ qua, đối với an ninh của Nhật Bản và khu vực. Hàng loạt hành động của Triều Tiên, bao gồm các vụ phóng tên lửa liên tục, bao gồm cả tên lửa đạn đạo, đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản, khu vực và cộng đồng quốc tế. Điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Cơ hội đối thoại “mờ mịt”, Hàn Quốc và Mỹ đang cân nhắc nối lại các cuộc tập trận chung, có sự tham gia của máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trên Bán đảo Triều Tiên, nếu xác định Bình Nhưỡng phóng tên lửa liên lục địa. Mỹ - Hàn thời gian qua đã thảo luận ý tưởng tái khởi động cuộc tập trận “Blue Lightning” sau 5 năm tạm ngừng.
Mỹ cũng dự kiến củng cố một cuộc diễn tập ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung vào tăng cường các năng lực phát hiện, truy vết và đánh chặn các tên lửa đạn đạo thù địch.
Trên thực tế, tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng. Hàn Quốc lại vừa bầu được Tổng thống cho nhiệm kỳ mới. Các động thái của Triều Tiên cũng có thể được xem là hành vi thăm dò. Nhiều quan điểm cho rằng, khi căng thẳng bị đẩy lên cao trào, cũng có thể là lúc Mỹ - Triều bắt đầu đối thoại. Điều này hoàn toàn có thể, bởi trong cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome mới đây, hai bên thảo luận về khả năng đưa các bên trở lại bàn đối thoại.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim dự kiến sẽ sớm có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Hiểu Minh, để bàn chi tiết hơn về điều này. Tuy nhiên, theo quan điểm của Nga và Trung Quốc – 2 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thì Mỹ cần gỡ bỏ một phần trừng phạt lên Triều Tiên trước để thể hiện thiện chí cho cánh cửa đàm phán./.