Vụ rò rỉ nước nhiễm xạ giáng mạnh vào kinh tế Nhật
VOV.VN - Sự cố nước nhiễm xạ rò rỉ từ Fukushima Daiichi ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch.
Đã hai năm trôi qua kể từ khi thảm họa động đất và sóng thần phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 tháng 3/2011 và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, đến nay, ngành công nghiệp đánh bắt cá tại vùng biển Fukushima vẫn chưa thể phục hồi. Trong khi đó, sự cố rò rỉ hàng trăm tấn nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima thời gian gần đây càng tác động mạnh đối với lĩnh vực ngư nghiệp của Nhật Bản.
Hàn Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu cá từ Nhật Bản (Ảnh minh họa, nguồn AFP) |
Người dân nơi đây còn cho biết, cho dù lượng cá rất dồi dào trên biển thì họ cũng không thể đảm bảo sẽ bán được hải sản trên thị trường, vì không ai muốn mua các sản phẩm nghi ngờ bị nhiễm xạ.
Ngoài cá, đào cũng là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Fukushima - khu vực cung cấp hơn 20% sản lượng đào trên toàn quốc. Song, mặt hàng này đang phải đối mặt với nhiều thánh thức lớn trên thị trường. Ông Juko Saito, một nông dân địa phương cho biết, ông đã trồng đào được hơn 20 năm. Sau thảm họa hạt nhân 2011, giá loại quả này đã giảm hơn 60%. Để khôi phục lại việc kinh doanh Saito đã tìm một thị trường mới đó là Malaysia, vậy mà vụ rò rỉ nước nhiễm xạ ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi một lần nữa khiến ông thêm lo lắng về giá cả.
Ông cho biết: “Công ty điện lực Tokyo và chính phủ Nhật Bản nên công bố các thông tin đúng thời điểm và đúng sự thật. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ứng phó với vấn đề này. Đó là mong muốn của chúng tôi”.
Cho đến thời điểm này, nhiều khách hàng vẫn lo lắng về chất lượng các mặt hàng ở Fukushima. Môt khách hàng địa phương bày tỏ: “Tôi thật sự lo lắng về việc rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy hạt nhân. Dù giá cả của các mặt hàng tại Fukushima thấp hơn, nhưng tôi cũng không mua những sản phẩm đó”.
Không chỉ người dân trong nước, mà các quốc gia khác vốn quen tiêu thụ sản phẩm cá của Nhật Bản giờ đây cũng đưa ra những biện pháp mạnh tay. Ngày 6/9, Hàn Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu cá có nguồn gốc từ Fukushima. Đây thực sự là một "cú sốc" đối với ngành ngư nghiệp Nhật Bản vì Hàn Quốc là nơi nhập 5.000 sản phẩm từ cá tại Fukushima trong tổng số 40.000 tấn cá ngừ Nhật Bản. Không riêng Hàn Quốc mà Pháp cũng đang giảm dần nhập khẩu sản phẩm tươi sống từ Nhật Bản và kiểm soát nghiêm ngặt hơn những lô hàng hóa từ nước này nhập khẩu vào Pháp.
Cùng với nông nghiệp và ngư nghiệp, lĩnh vực du lich tại Fukushima cũng chịu thiệt hại đáng kể từ sự cố rò rỉ nước nhiễm xạ. Bắt đầu từ tháng 10 tới, hãng Hàng không Asiana của Hàn Quốc sẽ hủy các chuyến bay giữa thủ đô Seoul và Fukushima - tuyến đường quốc tế duy nhất bay thẳng đến khu vực này.
Ông Koyidesu Ariga, quan chức thuộc Cơ quan du lịch Fukushima cho biết: “Trong tháng 7 và tháng 8, các chuyến bay giữa Seoul và Fukushima đã được đặt kín chỗ. Tuy nhiên, do vụ rò rỉ nước nhiễm xạ gần đây, nhà quản lý buộc phải hủy các chuyến bay này. Tôi rất lấy làm tiếc về điều đó”.
Vào tháng 8 vừa qua, Công ty điện lực Tokyo TEPCO - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima thừa nhận 300 tấn nước nhiễm xạ đã bị rò rỉ, làm dấy lên lo ngại nước nhiễm xạ có thể đã theo hệ thống thoát nước chảy ra Thái Bình Dương. Đến ngày 3/9, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch chi 47 tỷ Yên (tương đương 473 triệu USD) để giải quyết sự cố rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân này. Đây được coi là biện pháp thiết yếu để xử lý vấn đề nguồn nước đang ngày càng bị nhiễm xạ cao và thể hiện trách nhiệm của chính phủ trong việc dốc toàn lực xử lý vấn đề này./.