Vụ tấn công ở sân bay Orly: Pháp lại “tê liệt” vì choáng váng
VOV.VN-Không phải thương vong lớn hay kế hoạch tấn công tinh vi mà chính sự cực đoan, điên rồ, cùng quẫn của thủ phạm làm giới chức Pháp một lần nữa lúng túng.
Vụ việc ở sân bay Orly ngày 18/3 vừa qua là hành động tiếp nối loạt vụ tấn công đẫm máu ở Pháp, trong đó có những vụ tấn công do tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng. Trong vòng 2 năm qua tại Pháp đã có hơn 230 người thiệt mạng vì những kẻ tấn công có liên hệ với IS, trong đó có loạt vụ đánh bom và xả súng tháng 11 năm 2015 ở Paris làm 130 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Giao thông ở sân bay Orly đã trở lại bình thường sau vụ tấn công ngày 18/3 song lực lượng an ninh vẫn cảnh giác cao độ. Ảnh: AFP. |
Vụ tấn công lần này không chỉ làm dấy lên những mối lo về an ninh trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng nữa nước Pháp sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vòng 1 mà còn đồng thời khơi mào các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống.
Kẻ tấn công đã “nhẵn mặt” với nhà tù
Theo các nguồn tin tư pháp, Belgacem đã vào ra chốn tù tội vài lần vì tội trộm cắp và liên quan tới ma túy. Vì thế, có thể nói tên này đã nằm trong “radar” theo dõi của các cơ quan chức năng Pháp.
Giới chức Pháp cho biết Belgacem trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan khi ngồi tù vài năm trước vì tội buôn bán ma túy. Theo lệnh tạm tha vì tội trộm cắp, đối tượng này phải trình diện cảnh sát định kỳ và bị giám sát không được phép rời khỏi đất nước.
Vài tiếng trước khi bị tiêu diệt vì ở sân bay Orly, Belgacem cũng đã bị một sỹ quan cảnh sát bắn bị thương tại một chốt kiểm tra an ninh thông lệ ở phía Bắc Paris và tên này đã trốn thoát.
Sau đó, Belgacem vào một quán bar ở Vitry-sur-Seine phía bên kia thành phố và dùng khẩu súng hơi bắn bừa bãi nhưng rất may không trúng vào ai. Hắn ta đã ăn trộm một chiếc xe trước khi tới sân bay Orly.
Belgacem có phải là “sói đơn độc”?
Cảnh sát Pháp ngày 19/3 đã thẩm vấn người thân của kẻ tấn công với hy vọng tìm được nguyên nhân vì sao anh ta cướp súng của một nữ binh sỹ thuộc lực lượng không quân đang đi tuần ở sân bay Orly.
Sau khi triệu tập cha của Belgacem đến để phục vụ công tác điều tra, cảnh sát đã thả ông ra. Người đàn ông này khẳng định con trai ông, Belgacem, “không bao giờ là một tên khủng bố”. Kẻ khủng bố sân bay Orly hành động sau khi say rượu và dùng ma túy
“Nó không bao giờ cầu nguyện. Nó uống rượu và vì tác dụng của rượu và ma túy mà chuyện này xảy ra” – cha của Belgacem chia sẻ với kênh Europe 1.
Người đàn ông này cho biết ông đã nhận được một cuộc gọi từ con trai trước khi chết, trong đó Belgacem nói: “Con xin cha tha thứ. Con đã gây rối với một cảnh sát”.
Kết quả xét nghiệm máu của Belgacem cho thấy tên này đã sử dụng rượu và ma túy trước khi hành động.
Cùng với việc khám nghiệm tử thi, cảnh sát Pháp cho biết họ đang thẩm vấn anh trai và anh họ của Belgacem, đồng thời kiểm tra điện thoại của kẻ tấn công để xem hắn đã liên hệ với những ai.
Theo bên công tố viên, Belgacem sinh ra ở Paris, còn truyền thông Pháp cho biết gia đình kẻ tấn công có nguồn gốc từ Tunisia.
Chính phủ Pháp đã “tê liệt như thỏ”?
Các ứng cử viên Tổng thống Pháp đã nhanh chóng phản ứng sau vụ tấn công này.
Ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon cho rằng nước Pháp đang ở trong “tình trạng nội chiến ảo”, qua đó phản đối đề xuất dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ sau vụ tấn công tháng 11/2015.
Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, người chủ trương chống nhập cư và phản đối sự hội nhập sâu rộng hơn của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng chỉ thiếu chút nữa kẻ tấn công ở sân bay Orly đã gây ra “một cuộc thảm sát” khác.
“Chính phủ của chúng ta bị choáng váng, tê liệt như một chú thỏ trước ánh đèn” – bà Marine Le Pen nhận định. Tổng thống Pháp quyết tâm chống khủng bố sau sự cố ở sân bay Orly
Và nước Pháp đã nhiều lần choáng váng như thế trong 2 năm qua
2015 là một năm đẫm máu ở Pháp.
Ngày 7-9/1/2015, hai người đàn ông được vũ trang với súng trường Kalashnikov xông vào văn phòng ở Paris của tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo giết hại 12 người. Cùng ngày, một nữ cảnh sát bị giết hại ở ngoại ô Paris khi tay súng tấn công siêu thị của người Do Thái bắt cóc con tin và 4 người trong số đó đã thiệt mạng. Những kẻ tấn công bị tiêu diệt trong một vụ đọ súng với cảnh sát mà chưa kịp tuyên bố chúng liên hệ với Al-Qaeda hay IS.
Khi nước Pháp chưa hết bàng hoàng, ngày 3/2/2015, một người đàn ông cầm dao tấn công binh sỹ gác bên ngoài một trung tâm của người Do Thái ở Nice. Thủ phạm Moussa Coulibaly, 30 tuổi, đã bị bắt và trong phòng giam, hắn thể hiện sự căm phẫn với nước Pháp, cảnh sát, quân đội và người Do Thái.
Chưa hết, ngày 19/4/2015, Sid Ahmed Ghlam, một sinh viên Algeria học công nghệ thông tin, bị bắt giữ vì nghi ngờ giết hại một người phụ nữ và đang lên kế hoạch tấn công một nhà thờ ở khu Villejuif ngoại ô thủ đô Paris. Cảnh sát tìm thấy tài liệu về cả Al-Qaeda và IS trong nhà của Sid và bằng chứng việc hắn từng thảo luận với các phần tử thánh chiến ở Syria về một vụ tấn công nhà thờ.
Ngày 26/6/2015, Frenchman Yassin Salhi, 35 tuổi, chặt đầu sếp của mình rồi treo lên hàng rào cùng với 2 lá cờ Hồi giáo. Hắn còn dự định cho nổ tung nhà máy mà hắn đang làm việc nhưng đã bị cảnh sát bắt. Sau đó tên này đã tự tử trong phòng giam hồi tháng 12.
Ngày 13/7/2015, bốn thanh niên tuổi từ 16 đến 23 có tư tưởng ủng hộ IS, trong đó có một người từng là binh sỹ, đã bị bắt vì tội lên kế hoạch tấn công một doanh trại quân đội để chặt đầu một sỹ quan.
Ngày 21/8/2015, các hành khách đã ngăn được một cuộc tắm máu trên tàu cao tốc Thalys từ Amsterdam đến Paris khi ngăn chặn một người đàn ông nổ súng vào đám đông. Tay súng này là Ayoub El Khazzani, 25 tuổi, một người Moroco được giới tính báo xác định là phần tử Hồi giáo cực đoan.
Đỉnh điểm là vào ngày 13/22/2015, các phần tử IS tiến hành một vụ tấn công phối hợp liên hoàn vào quán cà phê bên ngoài sân vận động quốc gia Stade de France và nhà hát Bataclan, khiến 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương.
Bóng đen khủng bố ám ảnh nước Pháp trong cả năm 2016.
Ngày 7/1/2016, một người đàn ông mang biểu tượng của IS, cầm dao tấn công vào đồn cảnh sát ở Paris. Đối tượng Sallah Ali, sinh ra ở Moroco, sau đó đã bị cảnh sát tiêu diệt.
Ngày 13/6/2016, Larossi Abballa, 25 tuổi, giết hại dã man 2 sỹ quan cảnh sát tại nhà của họ ở phía Tây thủ đô Paris. Thủ phạm đã lên mạng xã hội tuyên bố thực hiện vụ tấn công nhân danh IS trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Ngày Quốc khánh Pháp (14/7) năm 2016 bị phủ bóng đen vì vụ tấn công bằng xe tải ở Nice làm 84 người thiệt mạng và hơn 330 người bị thương. Thủ phạm Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, bị lực lượng an ninh bắn chết nhưng IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công này.
Ngày 26/7/2016, một linh mục bị bắt làm con tin sau đó bị cắt cổ ngay tại nhà thờ của mình ở thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray vùng Normandy.
Trước vụ tấn công ở sân bay Orly vừa qua, năm 2017 này nước Pháp đã chứng kiến 1 vụ tấn công xảy ra ngày 3/2 khi một thanh niên gốc Ai Cập 29 tuổi tấn công 4 binh sỹ đang đi tuần ở viện bảo tàng Louvre và hô lớn Allah Akbar (Allah vĩ đại)./. Vì sao nước Pháp là tâm điểm khủng bố?