WEF tập trung vào cuộc khủng hoảng nợ công
Nợ công chính là nội dung trọng tâm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khai mạc hôm qua tại Davos, Thụy Sĩ.
Diễn đàn với sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng 2.600 nhà lãnh đạo các tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn, đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các nhà chính trị và hoạt động xã hội từ hơn 100 nước trên thế giới.
WEF diễn ra trong 5 ngày và chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng nợ công (Ảnh: Getty Images). |
Nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự của diễn đàn kéo dài 5 ngày lần này không gì khác là cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày càng trầm trọng ở châu Âu.
Với chủ đề: "Sự chuyển đổi lớn: Định hình những mô hình mới", diễn đàn năm nay tiến hành 250 phiên thảo luận tập trung vào các đề tài như các mô hình tăng trưởng và việc làm, các mô hình đổi mới và lãnh đạo, các mô hình tài nguyên mang tính lâu dài cũng như các mô hình xã hội và công nghệ...
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) chìm ngập trong gánh nặng nợ nần, còn nhu cầu từ hầu như tất cả các nước phát triển suy giảm, bất ổn xã hội gia tăng như là hệ quả của kinh tế yếu kém...
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Davos, ông Klaus Schwab cho rằng, không rút ra được những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, chủ nghĩa tư bản trong trạng thái hiện nay không còn phù hợp, đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề và nguy cơ mà thế giới đang phải đối mặt và sau đó có thể dẫn thế giới rơi vào tình trạng "lạc lối" với kinh tế suy giảm, xã hội rối loạn đi kèm với các chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Ông Schwab kêu gọi cải cách mô hình cũ để theo kịp với sự chuyển đổi của thế giới đang diễn ra.
Về phần mình, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Robert Greenhill kêu gọi các tập đoàn lớn trên thế giới thực thi một trách nhiệm xã hội lớn hơn: “Một trong những vấn đề chủ chốt của diễn đàn Davos năm nay là làm thế nào để doanh nghiệp không phải là một phần của vấn đề, mà là một phần then chốt của giải pháp. Và các tập đoàn có thể sử dụng sự tinh thông của họ như thế nào để cải thiện sự phát triển bền vững.”
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) cần tiến hành những cải cách về mặt cấu trúc để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại và thừa nhận Sự thâm hụt ngân sách ở các nước thành viên EU đã gia tăng trong nhiều năm và sẽ cần có thời gian để vượt qua điều đó, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện mục tiêu chấm dứt thâm hụt ngân sách.
Thủ tướng Merkel cũng cho rằng các nước thành viên EU sẽ trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư hơn một khi vượt qua cuộc khủng hoảng đồng euro./.