WHO cảnh báo thiếu vaccine ở châu Phi sẽ "đưa thế giới về vạch xuất phát"
VOV.VN - WHO cảnh báo rằng, việc thiếu hụt vaccine Covid-19 ở châu Phi có thể khiến lục địa này trở thành nơi sản sinh ra nhiều loại biến thể kháng vaccine và đưa thành quả chống dịch của thế giới về vạch xuất phát.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, châu Phi phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 470 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay, sau khi cơ chế COVAX cắt giảm số vaccine dự kiến chuyển tới châu lục này.
WHO ngày 16/9 cho rằng, tình trạng thiếu hụt vaccine ở châu Phi có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm chết người.
Văn phòng WHO ở châu Phi cho biết, chỉ 17% dân số của lục địa này sẽ được tiêm chủng cho tới cuối năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% do WHO đặt ra.
“Sự bất bình đẳng đáng kinh ngạc và sự chậm trễ trong việc chuyển giao vaccine có nguy cơ biến các khu vực ở châu Phi thành nơi sản sinh ra nhiều loại biến thể kháng vaccine. Cuối cùng, điều này có thể đưa cả thế giới trở lại vạch xuất phát”, Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho biết.
Do tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, cơ chế COVAX - được thành lập để đảm bảo cung cấp vaccine một cách công bằng, sẽ chuyển khoảng 150 triệu liều vaccine đến châu Phi, ít hơn so với kế hoạch.
“Nếu các quốc gia giàu có vẫn ngăn COVAX khỏi thị trường vaccine, châu Phi sẽ bỏ lỡ các mục tiêu tiêm chủng”, bà Moeti nói.
Theo WHO, sự thiếu hụt vaccine xảy ra trong bối cảnh châu Phi vượt mốc 8 triệu ca mắc Covid-19 trong tuần này.
Khoảng 95 triệu liều vaccine lẽ ra sẽ được chuyển giao tới châu Phi thông qua COVAX trong tháng 9. Tuy nhiên, ngay cả khi các chuyến hàng vaccine tiếp tục chuyển đến, “châu Phi mới chỉ có thể tiêm chủng cho 50 triệu người, tương đương 3,6% dân số”, WHO cho biết.
Cơ chế tài trợ quốc tế của COVAX được cho là sẽ giúp 92 quốc gia và vùng lãnh thổ khó khăn nhận được vaccine miễn phí do các quốc gia giàu có hơn tài trợ.
Tuần trước, COVAX đã điều chỉnh kế hoạch bàn giao vaccine, giải thích tình trạng thiếu hụt là do “các lệnh cấm xuất khẩu, sự ưu tiên dành cho thỏa thuận song phương giữa các nhà sản xuất và các quốc gia, sự chậm trễ trong việc nộp đơn xin phê duyệt”, cùng các lý do khác./.