WHO chỉ trích chính quyền, người dân nhiều quốc gia buông lỏng việc chống dịch
VOV.VN - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ngày 12/04 lên tiếng cảnh báo đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc khi tại nhiều quốc gia, chính quyền và người dân ngày càng tỏ ra chủ quan, lơi lỏng với đại dịch.
Lời cảnh báo được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra chiều ngày 12/04 trong buổi họp báo hàng tuần về đại dịch Covid-19 tại trụ sở tổ chức này ở Geneva, Thụy Sỹ.
Theo người đứng đầu WHO, sự rối loạn trong chính sách của các chính phủ cũng như sự thỏa mãn, buông lỏng của dân chúng các nước đang khiến cho đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại nhiều khu vực trên thế giới và điều này khiến cho đại dịch Covid-19 còn lâu mới có thể chấm dứt.
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, thế giới đã chứng kiến số ca nhiễm giảm trong 6 tuần liên tiếp. Nhưng hiện nay số ca nhiễm đã gia tăng liên tục trong vòng 7 tuần, số ca tử vong cũng đã tăng liên tiếp 4 tuần. Nhiều nước tại châu Á và Trung Đông đang có số ca nhiễm tăng rất nhanh. Tất cả những điều này diễn ra bất chấp thực tế là hiện đã có trên 780 triệu liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới”.
Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới công bố, trong tuần qua thế giới ghi nhận 4,4 triệu ca nhiễm mới virus Sars-CoV-2. Đây là tuần có số ca nhiễm cao thứ 4 từ trước đến nay và cao gấp gần 10 lần con số ca nhiễm trung bình mỗi tuần cách đây 1 năm, khi đại dịch mới bùng phát trên toàn thế giới. Do dịch bùng phát dữ dội trở lại, Ấn Độ đã vượt qua Brazil để trở thành nước có số người nhiễm cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Ngoài các khu vực châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ, châu Âu cũng đang là vùng có diễn biến dịch rất nghiêm trọng. Trong tuần trước, nước Pháp đã có ngày ghi nhận đến gần 90 ngàn ca nhiễm mới, cao nhất từ trước đến nay. Số ca bệnh nặng phải cấp cứu tại Pháp cũng tăng liên tục trong hơn 1 tháng qua.
Tại Đức, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng vừa đưa ra cảnh báo, làn sóng dịch Covid-19 thứ ba đang bùng phát tại Đức có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất từ đầu dịch. Dự kiến, trong ngày hôm nay, 13/04, chính phủ Đức sẽ trình lên Nghị viện Liên bang Đức một dự luật cho phép chính phủ Đức áp dụng các biện pháp y tế khắt khe một cách đồng bộ trên toàn bộ 16 bang của nước này./.