Xã hội Pháp bị chia rẽ xung quanh Hiệp ước châu Âu mới
(VOV) - Đây là hiệp ước siết chặt kỷ luật ngân sách nhằm đưa các nền kinh tế châu Âu xích lại gần nhau hơn.
Ngày 2/10, “Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý” (TSCG) chính thức được đưa ra Quốc hội (Hạ viện) Pháp xem xét. Tuy nhiên, Hiệp ước này đang là chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ trong xã hội Pháp.
Hiện tại, phần lớn nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội (PS) của Tổng thống Pháp François Hollande và phe đối lập lớn nhất ở Pháp là đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đều ủng hộ “Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý” (TSCG).
Phần lớn nghị sĩ đảng PS của Tổng thống Pháp và UMP đều ủng hộ Hiệp ước này (ảnh: direttanews.it) |
Tại hội nghị của đảng cực tả (PRG) tổ chức vào ngày 30/9 vừa qua ở Paris, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh: “Việc Quốc hội bỏ phiếu thông qua hiệp ước này là bước đi quan trọng. Bỏ lỡ dịp này, chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm mang tính lịch sử. Do đó, chúng ta phải mạo hiểm với nguy cơ khủng hoảng chính trị, cũng như khủng hoảng đồng Euro trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu trong ngắn hạn, khi người dân chưa hiểu hết được những nỗ lực của chúng ta, chúng ta cần phải giải thích cho người dân hiểu những thách thức và lợi ích của nước Pháp, của các nước châu Âu… vì chúng ta không còn lựa chọn nào khác”.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng BVA tiến hành theo yêu cầu của tờ nhật báo uy tín “Người Paris” của Pháp cho thấy, nếu phải thông qua bằng hình thức trưng cầu ý dân, hiệp ước sẽ nhận được sự ủng hộ của 64% người dân Pháp, so với tỷ lệ 36% người phản đối. Ngay cả đối với “nguyên tắc vàng” (các nước thành viên EU phải giữ mức thâm hụt ngân sách không quá 0,5% tổng sản phẩm quốc nội – GNP) được nêu ra trong hiệp ước nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, kết quả thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ cao 72%.
Tuy nhiên, hiệp ước lại đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía các Đảng cánh tả, cực tả và Đảng Xanh. Lý do là hiệp ước này được hiểu đồng nghĩa với chính sách “thắt lưng buộc bụng”, và có thể sẽ có những tác động không nhỏ tới nền kinh tế và chính cuộc sống của người dân Pháp…
Đỉnh cao của sự phản đối này là ngày Chủ Nhật (30/9) vừa qua, khoảng 60 tổ chức chính trị, xã hội và các nghiệp đoàn thuộc cánh tả đã huy động hàng chục nghìn người biểu tình ở Thủ đô Paris để phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” và hiệp ước tài chính châu Âu. Cánh tả ước tính đã có khoảng 80.000 người tham gia biểu tình.
Đây là cuộc biểu tình mới nhất tại Pháp, nối tiếp sau làn sóng biểu tình, bãi công phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng thời gian gần đây ở nhiều nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp… Ngày 30/9 cũng là lần đầu tiên tại Pháp diễn ra một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống François Hollande và chính phủ mới kể từ khi ông và chính phủ của đảng Xã hội (PS) lên nắm quyền tháng 5 vừa qua./.