Xóa nhà ổ chuột: Kế hoạch đầy tham vọng của Ấn Độ
VOV.VN - Các khu ổ chuột tại Ấn Độ đã trở thành vấn đề trong xã hội hiện đại khi chúng không theo kịp với sự phát triển của xã hội bên ngoài. Việc thiếu sự quản lý và đầu tư của chính quyền khiến những khu vực này trở thành gánh nặng với các đô thị.
Vấn đề nhức nhối tại Ấn Độ
Các khu ổ chuột rộng lớn, đông đúc với cuộc sống nghèo đói, nhếch nhác và lộn xộn đã trở thành “thương hiệu” không mong muốn của các đô thị Ấn Độ. Qua nhiều thập kỷ, thậm chí là cả thế kỷ, các khu lao động nghèo với đủ các thành phần dân cư trong xã hội, nơi cơ sở hạ tầng và nhà ở yếu kém và xuống cấp vẫn cứ hình thành, tồn tại và mở rộng ra theo xu hướng đô thị hóa tại quốc gia Nam Á này.
Người ta ước tính có khoảng 93 triệu người dân Ấn Độ đang sinh sống, tồn tại nhờ vào các khu ổ chuột trên khắp đất nước. Nếu xét trên khía cạnh lịch sử, các khu ổ chuột tại Ấn Độ ra đời phát triển theo sau những biến động của xã hội, các cuộc di cư và cả những thay đổi của điều kiện kinh tế. Đây là một mô hình xã hội thu nhỏ nơi tập hợp của rất nhiều cộng đồng khác biệt về việc làm, nguồn gốc, tôn giáo… nhưng đa phần đều nghèo. Họ cùng tồn tại trong hòa bình, sinh sống và cùng đóng góp vào xã hội theo một cách riêng. Dù có muốn hay không, đây dường như là một phần không thể tách rời của xã hội Ấn Độ.
Nhưng các khu ổ chuột bỗng trở thành vấn đề trong xã hội hiện đại khi chúng không theo kịp với sự phát triển của xã hội bên ngoài. Việc thiếu sự quản lý và đầu tư của chính quyền khiến những khu vực này trở thành gánh nặng với các đô thị, nơi kéo tụt bộ mặt của đất nước. Câu chuyện tại thủ đô New Delhi hồi tháng 9/2023 là một điển hình của bất cập này. Khi đó để đón các vị khách quý từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới tới dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, chính quyền Delhi đã phải cho dựng hàng rào quanh các khu ổ chuột để che đi những góc khuất của thành phố. Điều này gây ngạc nhiên cho người dân cũng như khơi gợi thêm sự tò mò của du khách.
Ngoài việc các khu ổ chuột làm xấu đi hình ảnh của thành phố trong mắt người nước ngoài, nó cũng không có lợi cho tham vọng toàn cầu của Ấn Độ.Trong nhiệm kỳ đảm nhận chức Chủ tịch G20 năm 2023, Ấn Độ muốn quảng bá năng lực và tham vọng tập hợp dẫn dắt các nước đang phát triển, hay các nước phương Nam để hướng tới đấu tranh cho các mục tiêu phát triển. Vậy nhưng những lời kêu gọi đó sẽ trở nên kém thuyết phục hơn nếu thế giới được chứng kiến những vấn đề của Ấn Độ ngay tại “sân nhà”. Người Ấn Độ ý thức được điều đó và đang nỗ lực để giải quyết những vấn đề không dễ chịu này.
Sáng kiến “Nhà ở cho tất cả mọi người”
Sáng kiến “Nhà ở cho tất cả mọi người” được Chính phủ Ấn Độ khởi xướng từ năm 2015 nhằm hiện thực hóa mục tiêu các gia đình Ấn Độ có thể sở hữu ngôi nhà của riêng mình, điều mà rất nhiều người hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được. Chương trình do Bộ Nhà ở và Giảm nghèo Đô thị triển khai để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở đáng kể trong số những người có thu nhập thấp ở thành thị. Việc xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ với giá phải chăng sẽ tạo điều kiện xóa bỏ các khu ổ chuột, ngăn chặn tình trạng nhảy dù, lấn chiếm đất công để xây nhà…
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu xây dựng được khoảng 20 triệu căn nhà ở kiểu này vào năm 2022. 4 công việc chính của dự án này là: Cải tạo khu ổ chuột với sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân, trong đó sử dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Thứ hai là trợ cấp liên kết tín dụng (CLSS) tập trung vào các đối tượng có thu nhập thấp, không có nguồn tài chính dư giả để cấp các khoản vay mua nhà. Khoản vay này có thể được sử dụng để xây dựng mới và để thêm các phòng như nhà vệ sinh, bếp… Dự án này cũng đề cập tới áp dụng mô hình đối tác công tư để triển khai dự án.
Dù đã hơn 2 năm trôi qua kể từ thời điểm kết thúc dự án “Nhà ở cho tất cả mọi người” nhưng vẫn chưa có tổng kết về số lượng nhà ở được bàn giao cho những người có thu nhập thấp. Vẫn chưa thể đánh giá chính xác liệu Sáng kiến này đã thành công hay chưa. Tuy nhiên, hồi tháng 7/2024, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ đã công bố giai đoạn 2 của Sáng kiến này đã được bắt đầu. Trong giai đoạn tiếp theo này, Ấn Độ sẽ giành khoảng 120 tỷ USD để xây 10 triệu ngôi nhà cho người thu nhập thấp. Điều này cũng có nghĩa, nhu cầu nhà ở phân khúc thấp và trung bình vẫn đang hết sức cấp thiết, đòi hỏi việc dành đủ nguồn lực cho đầu tư.
Ấn Độ tập trung nguồn lực hiện thực hóa kế hoạch xóa nhà ổ chuột
Chính phủ Ấn Độ từ lâu đã muốn xóa đi các khu ổ chuột, một thực tế vốn làm xấu đi hình ảnh đang vươn mình đi lên của đất nước. Xóa các khu ổ chuột cũng đồng nghĩa với việc cải thiện chất lượng sống của người dân đô thị, tạo ra điều kiện để họ thoát nghèo. Tuy nhiên, việc thực hiện của Ấn Độ vốn không mấy thuận lợi và khó về đích đúng hạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này. Thứ nhất, các thủ tục đầu tư, đấu thầu dự án phức tạp khiến việc triển khai các dự án xây dựng nhà ở mới bị kéo dài hơn so với kế hoạch. Nguồn cung không đủ cũng có nghĩa việc xóa các khu nhà ổ chuột sẽ bị chậm.
Lợi ích từ các dự án cũng chưa đạt được mức tối ưu khiến các doanh nghiệp tư nhân không mặn mà tham gia phát triển các khu dân cư mới, kéo dần người có thu nhập thấp ở các khu ổ chuột ra ngoài. Ngoài ra, cần phải nhớ rằng các khu ổ chuột tồn tại ở các đô thị Ấn Độ không chỉ là các khu dân cư thông thường. Đây là những xã hội thu nhỏ với các đặc trưng riêng biệt, là nguồn sinh kế của rất nhiều người. Muốn giải tỏa được chúng trước hết phải tạo ra công ăn việc làm mới cao hơn cho người dân nghèo tại đây. Điều này sẽ giúp thúc đẩy người dân rời bỏ các khu ổ chuột sớm hơn.