Xuất nhập cảnh trái phép - Bài toán khó ngăn Covid-19 ở nhiều nước
VOV.VN - Vì lợi ích cá nhân trước mắt, nhiều người đã đặt cược rủi ro sức khỏe, kinh tế và cả mạng sống của người khác vì những hành động bất hợp pháp của mình.
Triều Tiên hôm qua (26/7) tuyên bố "tình trạng khẩn cấp tối đa" để ngăn chặn đại dịch Covid-19 sau khi phát hiện một đối tượng đào ngũ trở về nhà với các triệu chứng nghi mắc Covid-19. Một trường hợp nghi nhiễm khiến cả bộ máy chính trị Triều Tiên phải vào cuộc, với các biện pháp khẩn cấp được đưa ra. Không riêng Triều Tiên, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đau đầu với bài toán ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhanh chóng phong tỏa toàn bộ thành phố biên giới Kaesong và ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của virus. Quân đội Hàn Quốc hôm nay (27/7) cũng xác nhận có một người đào tẩu Triều Tiên quay trở về nước, nhưng chưa xác định được liệu người này có mắc Covid-19 hay không.Người nghi nhiễm được truyền thông Triều Tiên mô tả là một công dân đã đào tẩu sang Hàn Quốc cách đây 3 năm và vừa trốn về nước vào tuần trước. Người đào tẩu bị nghi đã bơi qua biên giới, qua đường ống cống dưới hàng rào dây thép gai để tránh ánh mắt của lính biên phòng Hàn Quốc. Nếu được xác nhận, đây sẽ là ca mắc Covid-19 đầu tiên của Triều Tiên.
Quan chức phụ trách trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc Yoon Tae-ho cho biết: Người đàn ông này không có trong danh sách các ca mắc Covid-19 tại Hàn Quốc. Ông cũng không có trong danh sách những người đã có tiếp xúc với người mắc Covid-19. Do đó chúng tôi không thể xác nhận liệu người này có mắc Covid-19 hay không”.
Ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép cũng đang là vấn đề nhiều quốc gia phải đối mặt, một lỗ hổng lớn trong chiến lược toàn diện chống Covid-19. Với việc Ấn Độ trở thành quốc gia có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới trong ngày, các quan chức y tế quốc gia láng giềng Nepal đang đưa ra mọi biện pháp để ngăn chặn hoạt động nhập cảnh trái phép ở biên giới.
Biện pháp được đưa ra sau khi hàng chục người, bao gồm phụ nữ và trẻ em chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2, mặc dù họ không đến các khu vực nguy cơ cao hay tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Cụm mắc Covid-19 này nằm ở một số huyện có biên giới với Ấn Độ. Quan chức Bộ Nội vụ Nepal cảnh báo về nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng do những hoạt động nhập cảnh bất hợp pháp từ Ấn Độ.
Chính quyền Thái Lan mới đây cũng phải tăng cường các biện pháp an ninh để ngăn chặn hoạt động nhập cảnh bất hợp pháp dọc biên giới Malaysia, có thể làm gia tăng nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2 tại quốc gia này. Sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, hơn 7.000 người Thái tại Malaysia đã trở về nhà nhưng nhiều người đã bị bắt do nhập cảnh trái phép để tránh 14 ngày cách ly bắt buộc.
Để đạt được kết quả trong cuộc chiến chống Covid-19, nhiều quốc gia đã phải hi sinh về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Tuy nhiên vì lợi ích cá nhân trước mắt, nhiều người đã đặt cược rủi ro sức khỏe, kinh tế và cả mạng sống của người khác vì những hành động bất hợp pháp của mình.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi mỗi người dân toàn cầu, cần có ý thức và trách nhiệm chung trong nỗ lực chung tay chống đại dịch.
“Tất cả mỗi cá nhân đều đóng vai trò trong việc bảo vệ chính mình và những người khác. Trước tiên, bạn phải biết tình hình dịch bệnh nơi bạn sinh sống và làm thế nào để giảm các nguy cơ đối với chính bạn. Cần xác định rõ, mỗi hành động như có giữ đúng khoảng cách 1 mét hoặc rửa tay đều đặn hay không sẽ quyết định sức khỏe mạng sống của bạn và những người khác”./.