Xung đột Armenia và Azerbaijan đứng trước nguy cơ bị “quốc tế hóa”
VOV.VN - Dù vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực dọc đường giới tuyến, song điều đáng lo ngại nhất hiện nay là xung đột Armenia - Azerbaijan có nguy cơ bị quốc tế hóa.
Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn. Nga và Pháp hôm qua (1/10) đồng loạt lên tiếng cảnh báo về sự can thiệp quân sự của những nước thứ 3 và sự xuất hiện của tay súng thánh chiến cực đoan, có nguy cơ đẩy cuộc xung đột tới một bước ngoặt mới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua khẳng định ông đã có trong tay những thông tin chắc chắn về hoạt động di chuyển của các tay súng thánh chiến cực đoan từ Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Nagorny Karabakh, khu vực tranh chấp hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan. Trước đó, Nga cũng đưa ra những thông tin tương tự. Theo nhà lãnh đạo Pháp, đây là một diễn biến cực kỳ nguy hiểm, có thể làm thay đổi bản chất cuộc xung đột. Cùng với Nga và Mỹ, những nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk, Anh đang nỗ lực hòa giải các bên. Trong một thông cáo chung đưa hôm qua, lãnh đạo 3 nước kêu gọi Armenia và Azerbaijan “chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch” và cam kết nối lại đàm phán “vô điều kiện và thiện chí”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh: “Lập trường của Điện Kremlin là cần phải ngừng bắn ngay lập tức. Bất kỳ tuyên bố nào về hoạt động hay hỗ trợ quân sự đều sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi tất cả các nước, đặc biệt là các đối tác của chúng tôi, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, làm mọi cách để thuyết phục các bên tham chiến ngừng bắn”.
Tuy nhiên, những nỗ lực dường như là chưa đủ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngay lập tức phản đối mạnh mẽ việc Mỹ, Pháp và Nga can dự vào cuộc xung đột tại vùng Kavkaz, với lý do 3 nước này đã không quan tâm đến các vấn đề tại khu vực trong suốt gần 30 năm qua.
“Mỹ, Nga và Pháp đã không quan quan tâm đến các vấn đề khu vực trong gần 30 năm qua. Vì thế việc tham gia tìm kiếm một lệnh ngừng bắn khi đối mặt với những diễn biến tiêu cực nổi lên là không thể chấp nhận được. Việc đạt một lệnh ngừng bắn lâu dài trong khu vực còn tùy thuộc vào việc Armenia rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ của Azerbaijan”.
Trong khi đó, những nước liên quan trực tiếp là Armenia và Azerbaijan vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ dừng xung đột.
Tuy nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song Nagorny - Karabakh lại là khu vực có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia, mà đỉnh điển là cuộc xung đột trong những năm 1990 làm 30.000 người thiệt mạng. Những cuộc đụng độ hiện nay được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 2016.
Dù vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực dọc đường giới tuyến, song điều đáng lo ngại nhất hiện nay là cuộc xung đột có nguy cơ bị quốc tế hóa khi bắt đầu có sự can thiệp của ngày càng nhiều quốc gia và sự xuất hiện của các lực lượng thánh chiến cực đoan. Là một quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực và vốn duy trì các mối quan hệ thân thiết với cả Armenia và Azerbaijan, Nga hôm qua (1/10) đã bày tỏ lo ngại về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ Azerbaijan. Theo Điện Kremlin, tại cuộc điện đàm tối qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã nhất trí phối hợp các hành động nhằm ổn định tình hình./.