Xung đột Nga – Ukraine trước ngưỡng leo thang nguy hiểm mới?
VOV.VN - Chủ đề “cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga” đang làm nóng các cuộc thảo luận tại Mỹ và châu Âu. Mỹ đang gấp rút thăm dò ý kiến đồng minh trong vấn đề này, bất chấp cảnh báo từ Nga rằng đây sẽ là bước can dự đối đầu trực tiếp.
Sau chuyến thăm Ukraine, tại Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục được nghe lại lời kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga từ người đồng cấp nước chủ nhà Radoslaw Sikorski.
Theo Ngoại trưởng Ba Lan, các sân bay Nga sẽ là những mục tiêu hợp pháp: “Các nước phương Tây nên tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tân tiến. Theo tôi, chúng ta cũng nên dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa. Chúng tôi tin rằng các lệnh trừng phạt kinh tế có hiệu quả và chúng ta thực hiện các hành động quyết liệt hơn để tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga”.
Đây cũng sẽ là chủ đề được Thủ tướng Anh Keir Starmer đặc biệt quan tâm trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của mình, diễn ra ngày 13/9. Theo một số hãng truyền thông, Anh đang phát tín hiệu với Mỹ rằng nước này rất muốn để Ukraine dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga xa biên giới Ukraine. Tuy nhiên, Anh vẫn cần một động thái rõ ràng từ đồng minh Mỹ trong chiệc chiến lược phối hợp hỗ trợ.
Hiện chính quyền Mỹ vẫn do dự, chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACM của Mỹ để tấn công Nga. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, không có loại vũ khí nào một mình có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột và Ukraine cần sử dụng các loại vũ khí đang có để kết hợp tấn công. Giới tình báo Mỹ cũng cảnh báo, Nga có thể đáp trả Mỹ bằng nhiều cách, từ leo thang xung đột cho đến hỗ trợ Iran tấn công lực lượng Mỹ ở Trung Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/9 cảnh báo, phương Tây sẽ trực tiếp đối đầu với Nga nếu các nước này cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa. Theo ông, một cuộc tấn công tầm xa cần dữ liệu mục tiêu từ vệ tinh và việc lập trình thực tế đường bay của tên lửa sẽ phải do quân nhân NATO thực hiện vì Ukraine không có khả năng này. Do đó, động thái như vậy sẽ thay đổi bản chất và phạm vi của cuộc xung đột tại Ukraine.
“Vấn đề đang không phải là cho phép Ukraine tấn công Nga bằng những vũ khí này hay không. Vấn đề là đưa ra quyết định xem các nước NATO có tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự hay không. Nếu quyết định này được đưa ra, điều đó có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine. Đây là sự tham gia trực tiếp của họ và tất nhiên, điều này sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột. Điều này có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang chiến đấu với Nga. Trong trường hợp này, khi cân nhắc đến sự thay đổi trong bản chất của cuộc xung đột, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa sẽ được tạo ra cho chúng tôi”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Vấn đề trao quyền cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa được đưa ra từ nhiều tháng qua, song mới đây, Tổng thống Mỹ thừa nhận đang xem xét khả năng này trong bối cảnh Ukraine đã đưa quân sang tấn công lãnh thổ Nga, đặc biệt tại vùng Kursk.