Xung đột sắc tộc đang gia tăng ở Iraq
(VOV) - Hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu xảy ra trong ngày 17/5 khiến hàng chục người thiệt mạng.
Ngày 17/5, hai quả bom đã phát nổ gần một thánh đường của người Hồi giáo dòng Sunni ở thành phố Baquba, phía Bắc thủ đô Baghdad của Iraq, khiến 41 người thiệt mạng và 57 người bị thương. Giới quan sát lo ngại hàng loạt những vụ tấn công đẫm máu mới là dấu hiệu cho thấy xung đột sắc tộc đang gia tăng ở Iraq, có nguy cơ đẩy quốc gia vùng Vịnh này trở lại "vết xe đổ" của cuộc nội chiến 2006-2008, từng cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người.
Hiện trường vụ đánh bom ở Baquba ngày 17/5 (Ảnh: Reuters) |
Theo các nguồn tin, quả bom thứ nhất phát nổ khi những tín đồ đang rời khỏi thánh đường Saria ở thành phố Baquba, trong khi đó quả bom thứ hai phát nổ khi người dân đang tụ tập tại hiện trường vụ nổ thứ nhất.
Cùng ngày, một vụ đánh bom khác nhằm vào đám tang của một tín đồ Hồi giáo dòng Sunni ở thị trấn Madain, phía Nam thủ đô Baghdad, khiến 8 người thiệt mạng và ít nhất 25 người bị thương.
Trước đó, ngày 16/5, hai vụ đánh bom nhằm vào người Hồi giáo dòng Shiite ở thành phố Kirkuk và thủ đô Baghdad đã khiến 22 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương. Làn sóng bạo lực gia tăng mạnh tại Iraq với các vụ đánh bom nhằm vào các địa điểm tín ngưỡng của cả hai cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite và Sunni ở nước này khiến dư luận hết sức lo ngại.
Một người dân Iraq bày tỏ: “Chúng tôi chắc chắn rằng, các kẻ tấn công đã nhằm mục tiêu vào người Shiite. 100% người dân ở đây là người Shiite. Những kẻ tấn công nhằm vào dân thường nhằm mục đích tạo ra leo thang xung đột giữa các giáo phái”.
Kể từ khi những binh sỹ Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq hồi tháng 12/2011, các vụ đánh bom vẫn xảy ra hàng ngày tại quốc gia giàu dầu mỏ này. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, số người thiệt mạng do các vụ tấn công khủng bố đã lên tới hơn 800. Điều này cho thấy việc đảm bảo an ninh của các lực lượng Iraq vẫn còn yếu kém. Ông Salim Al-Jiburi, một nhà phân tích chính trị của Iraq nói: “Những vụ đánh bom cho thấy tình hình an ninh tại Iraq vẫn còn yếu kém. Các vụ đánh bom đã diễn ra sau khi các quả bom được vận chuyển vào thành phố qua mặt được rất nhiều trạm kiểm soát và binh lính”.
Các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra đã làm gia tăng nỗi ám ảnh về các vụ tàn sát "ăn miếng trả miếng" trong vòng xoáy bạo lực sắc tộc giữa các phe phái người Hồi giáo Shiite chiếm đa số với người Hồi giáo Sunni thiểu số ở Iraq. Các vụ bạo lực diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn đặc biệt là sau khi cộng đồng người Sunni cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki - một tín đồ dòng Shiite - đã bắt giữ và buộc tội những người thuộc dòng Hồi giáo Sunni có liên quan tới các hoạt động khủng bố một cách thiếu căn cứ. Nhiều người Sunni tại Iraq cho rằng họ bị "gạt ra rìa" kể từ khi cố Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ trong cuộc chiến mà Mỹ phát động năm 2003.
Trước tình hình bạo lực gia tăng trong 5 tháng trở lại đây, chính quyền Baghdad đã tiến hành một số chính sách mang tính nhượng bộ như phóng thích tù nhân, hay tăng lương cho các tay súng dòng Hồi giáo Sunni chống al-Qaeda, song vẫn không kiểm soát được các vụ bạo lực./.