Xung đột tại Ukraine: Trọng tâm thảo luận của EC
VOV.VN - Tình hình Ukraine đã trở thành trọng tâm thảo luận tại cuộc họp của Ủy ban các Bộ trưởng Hội đồng châu Âu (EC) ngày 6/5.
Báo cáo của cuộc họp diễn ra tại Vienna (Áo) cho biết, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Ủy ban các Bộ trưởng EC đã liên tục kêu gọi một giải pháp hòa bình cho tình hình tại quốc gia Đông Âu này dựa trên các cuộc đối thoại, đàm phán theo đúng luật pháp quốc tế, Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Quy chế của EC.
Ủy ban các Bộ trưởng đã đưa ra các đề xuất cụ thể để hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc thành lập Ủy ban Cố vấn Quốc tế (IAP) để thúc đẩy việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập về các hành động bạo lực tại Ukraine cũng như việc thành lập một nhóm công tác 3 bên có sự tham gia của Quốc hội, Bộ Tư pháp Ukraine và EC để tiếp tục tiến hành các cuộc cải cách luật pháp tại Ukraine.
Sau đó, theo yêu cầu của chính quyền Ukraine, Ủy ban các Bộ trưởng đã yêu cầu Ủy ban Cố vấn cho Công ước khung về việc Bảo vệ các Dân tộc thiểu số xem xét tình hình của những sắc dân thiểu số tại Ukraine.
Một phiện họp của Ủy ban các Bộ trưởng Hội đồng châu Âu (Ảnh AP) |
Sau khi Ủy ban Cố vấn đệ trình bản báo cáo của mình, các Bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay tại đây và kêu gọi các bên liên quan theo dõi và tuân thủ chặt chẽ những kết luận của bản báo cáo nói trên.
Ủy ban các Bộ trưởng cũng yêu cầu Ủy ban Cố vấn tiếp tục theo dõi tình hình những người thiểu số trên khắp Ukraine, bao gồm cả ở Crimea và tiến hành một vòng giám sát thứ 4 để có thể đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền lợi của những người này bao gồm cả ngôn ngữ của họ.
Các Bộ trưởng EC cũng hoan nghênh việc các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đề xuất bao gồm cả những hỗ trợ cải cách tại nhiều khu vực ở Ukraine cũng như yêu cầu các nước thành viên EC ngay lập tức xem xét việc tự nguyện hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Tại cuộc họp này, EC cũng nhấn mạnh, cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea và thủ phủ Sevastopol diễn ra ngày 16/4 là bất hợp pháp. EC cho rằng, việc Nga sau đó đồng ý sáp nhập Crimea trở thành một thực thể của Nga cũng không thể thay đổi được quy chế trước đây của Crimea và Sevastopol.
Các Bộ trưởng EC cũng thúc giục Nga tiến hành một cuộc đối thoại trực tiếp với chính quyền Ukraine./.