Bến đỗ hạng Nhất

Dư luận nước nhà đang sửng sốt trước thông tin tiền đạo Văn Quyến (SLNA) có thể tìm bến đỗ mới trong giai đoạn nghỉ giữa mùa 2012

Sự kiện tiền vệ Quốc Vượng (CLB Thanh Hóa), thủ môn Tấn Trường (Sài Gòn FC) bị đội bóng chủ quản thanh lý hoặc “đẩy” lên sàn chuyển nhượng chưa kịp lắng xuống thì dư luận nước nhà lại đã tiếp tục sửng sốt trước thông tin tiền đạo Văn Quyến (SLNA) có thể tìm bến đỗ mới trong giai đoạn nghỉ giữa mùa 2012. Điểm khác biệt của Quyến so với hai người đồng đội là anh hoàn toàn có sự chủ động nếu “quyết lời dứt áo ra đi” thay vì lâm vào hoàn cảnh trớ trêu: bị “đem con bỏ chợ” sau khi trở thành một quả chanh… khô.

Hai câu lạc bộ đã đánh tiếng sẵn sàng mở rộng vòng tay đón Quyến là Sài Gòn FC và Xổ số kiến thiết (XSKT) Cần Thơ - một đại diện của giải chuyên nghiệp và một tập thể đang chơi ở giải hạng Nhất. Ai cũng thấy, chuyện “đánh tiếng” từ đại diện bóng đá Sài Gòn chỉ là “chiêu” quảng bá thương hiệu không hơn không kém, bởi nếu câu lạc bộ này cần một tiền đạo đúng nghĩa, họ đã không để tiền đạo Nsi (người Cameroon) hay chân sút nội Sỹ Mạnh nói lời tạm biệt sân Thống Nhất. Cho nên, trao đổi với báo giới, Văn Quyến đã tỏ ra thành thực và “biết mình biết người”: anh dành sự ưu tiên cho… giải pháp thứ hai.

Bến đỗ hạng Nhất đang là sự lựa chọn của Văn Quyến (Ảnh: Internet)

Nói cho hết nhẽ, lời chào mừng nồng nhiệt của đội bóng Tây Đô đối với Quyến, cũng không xuất phát từ việc họ bị thuyết phục hay mê hoặc bởi  màn trình diễn của Quyến ở giai đoạn lượt đi V.League 2012. Nguyên nhân chính khiến XSKT Cần Thơ lên tiếng nhiều phần bắt nguồn từ việc họ bị hấp dẫn bởi “cái danh” của một cựu thần đồng. Dù Quyến đã qua thời đỉnh cao phong độ thì tên tuổi anh vẫn là sức hút đáng kể đối với những tập thể “làng nhàng”.

Còn nhớ, cách đây vài mùa giải, thời điểm đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp, thủ môn Dương Hồng Sơn đã chấp nhận rời Sông Lam để đi theo tiếng gọi của hạng Nhất (đội Hà Nội T&T). Sở dĩ Sơn chấp nhận lùi một bước về chuyên môn vì đổi lại, anh sẽ có ba bước tiến về kinh tế (bỏ túi khoản lót tay 1,5 tỷ - mức chuyển nhượng khá cao cách đây dăm năm - cùng lương tháng vài chục triệu).

Không còn nghi ngờ gì nữa, ngoài ý nghĩa một “sân chơi hạng hai”, phù hợp với những người đã ở bên kia sự nghiệp, giải hạng Nhất quốc gia còn là sự lựa chọn hoàn hảo cho những cầu thủ đeo đuổi mục đích làm “kinh tế”. Dù tiếc nuối song cần khẳng định, về hạng Nhất là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” đối với cầu thủ xứ Nghệ lúc này. Bởi chỉ ở đó Văn Quyến mới có thu nhập cao và “đất diễn”.

Sử dụng chút hào quang xưa để giải quyết vấn đề kinh tế, xem ra đó là bước đi đúng đắn hơn là cứ lay lắt “kiếp sống mòn” trên băng ghế dự bị ở đội bóng xứ Nghệ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên