Bóng đá Việt Nam: Những điểm mới
Bóng đá Việt Nam đang đứng trước một cơ hội thực sự chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp đúng nghĩa, sau khi VPF ra đời
Đó là lời khẳng định của tân TGĐ công ty VPF Phạm Ngọc Viễn tại Đại hội cổ đông công ty lần thứ nhất, diễn ra hôm 14/12 tại Hà Nội. Không chỉ cam kết hoạt động kinh doanh của VPF không thua lỗ, thậm chí có lãi ngay từ năm hoạt động đầu tiên, ban lãnh đạo VPF còn hứa hẹn nhiều điểm mới cho bóng đá Việt Nam từ mùa 2012 trở đi.
Tháo gỡ những vướng bận trong lòng đại diện các đội bóng tham dự V- League và hạng Nhất về vấn đề đóng phí dự giải, ông Nguyễn Đức Kiên, vừa được bầu làm PCT VPF, khẳng định:
Ông Nguyễn Đức Kiên, vừa được bầu làm PCT VPF |
“Công ty sẽ tự đảm bảo tài chính hoạt động, thay vì đề nghị các câu lạc bộ đóng phí tham dự giải các mức 500 triệu đồng đối với CLB dự V- League và 300 triệu đồng đối với CLB dự giải hạng Nhất”.
“Các đội bóng sẽ phải công khai mức thưởng đối với từng trận đấu ngay từ đầu mùa. Mức thưởng mỗi trận sẽ không quá 500 triệu đồng/trận. Công ty sẽ đảm bảo việc kiểm soát báo cáo tài chính để các CLB không tiến hành việc thưởng riêng, thưởng bí mật, ngoài báo cáo tài chính”. – ông Kiên nói thêm.
Đại diện cho HĐQT công ty VPF, ông Nguyễn Đức Kiên cũng cam kết bảo đảm nguồn vốn pháp định 30 tỷ đồng của công ty được bảo toàn và công ty không được sử dụng để đưa vào hoạt động. Theo đó, các cổ đông sẽ không phải đóng góp thêm vốn điều lệ hàng năm.
Một điểm mới đáng chú ý mang ý nghĩa quyết định đối với hoạt động phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai là 90% nguồn thu từ hoạt động bóng đá sẽ đổ về công ty VPF, thay vì VFF như trước đây. Và công ty VPF chỉ có trách nhiệm – cũng như đạo lý theo lời của PCT VFF Lê Hùng Dũng tuyên bố - trích một phần ngân sách cho VFF để đảm bảo công tác đào tạo cầu thủ trẻ, đồng thời hỗ trợ các đội tuyển bóng đá quốc gia với mức kinh phí không thấp hơn so với trước đây.
Ở khía cạnh tổ chức các giải bóng đá trong nước, bắt đầu từ mùa 2012 sẽ có 2 BTC đối với giải V- League và hạng Nhất. Chức danh Trưởng BTC trước đây được đổi thành GĐĐH giải. Giải V- League trước đây sẽ được đổi tên thành giải Ngoại hạng hoặc V- League 1.
Giải hạng Nhất đổi thành V- League 2. Mỗi giải đấu sẽ có 1 ban kỷ luật, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban kỷ luật VFF. Điểm nhấn trong những thay đổi so với mùa giải trước là công tác đào tạo cầu thủ trẻ được đặc biệt chú ý và đề cao.
Ông Phạm Ngọc Viễn, TGĐ công ty VPF, cho biết: Từ mùa 2014, các câu lạc bộ phải có đủ hệ thống các đội tuyển trẻ hoặc Học viện đào tạo cầu thủ trẻ từ lứa U15 trở lên. Mùa 2015, các đội dự V- League phải có đủ 4 đội dự các giải U15- U21 quốc gia. Và mùa 2016, các đội hạng Nhất phải có đủ 4 đội dự các giải U15- U21 quốc gia. Nếu đội bóng nào không có đội tham dự sẽ bị phạt tiền, số tiền nào chuyển vào Quỹ phát triển bóng đá Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Viễn cũng khẳng định chủ trương hạn chế số lượng cầu thủ nước ngoài thi đấu tại Việt Nam từ mùa 2013. Theo đó, giải V- League 1 sẽ không còn cầu thủ nước ngoài thi đấu. Giải Ngoại hạng sẽ chỉ có 3 cầu thủ nước ngoài được đăng ký và ra sân là 2. Quy định này cũng sẽ áp dụng cả cho cúp Quốc gia.
Theo đó, từ mùa 2013, nếu 2 đội khác hạng thi đấu với nhau tại cúp Quốc gia, đội dự giải Ngoại hạng sẽ không được sử dụng cầu thủ nước ngoài. Bắt đầu từ giai đoạn 2 của mùa 2012, cầu thủ có quốc tịch nước ngoài nhưng có bố hoặc mẹ là người Việt Nam được quyền đăng ký như cầu thủ nội. Theo ông Viễn, tất cả những thay đổi này không nằm ngoài mục đích tạo thêm cơ hội cho cầu thủ trẻ ra sân thi đấu, tích lũy kinh nghiệm và giúp các ĐTQG nâng cao chất lượng thi đấu trong tương lai.
Cũng liên quan tới công tác tổ chức giải, ông Phạm Ngọc Viễn khẳng định bắt đầu từ mùa 2012, các CLB sẽ không được tự ý đổi tên, trừ khi được sự chấp thuận của VPF. Tên của các đội bóng phải được giữ nguyên và tên của nhà tài trợ chỉ được phép gắn đằng sau. Tuy nhiên, điểm mới này chỉ được đề cập lướt qua và không được thảo luận chi tiết tại Đại hội cổ đông.
Đây là điểm mới tích cực, nhưng e rằng khó thực hiện tại giải Ngoại hạng, trong bối cảnh chỉ có 3 đội bóng đáp ứng yêu cầu của BTC, đó là SLNA, Hà Nội.T&T và CLB bóng đá Hà Nội mà tiền thân là Hà Nội.ACB và HP.HN mới sáp nhập lại. Trường hợp của CLB Thanh Hóa là vì không có nhà tài trợ chính thức./.