Bầu Đức và triết lý bóng đá doanh nhân: Từ 400 triệu cho tới tiền tỷ
VOV.VN -Phó CT VFF Đoàn Nguyên Đức hỗ trợ Quế Ngọc Hải 400 triệu đồng phí chữa bệnh cho Anh Khoa và kêu gọi tài trợ cho bóng đá Việt Nam trăm tỷ đồng mỗi năm.
“Của cho là của nợ”
Rất có thể vụ pha xoạc bóng trị giá 800 triệu đồng của Quế Ngọc Hải khiến Anh Khoa dính chấn thương nặng và suýt phải giải nghệ, sẽ khép lại trong thời gian ngắn nữa với quyết định hỗ trợ 400 triệu đồng cho trung vệ SLNA của “bầu” Đức mà Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ đã xác nhận trước báo giới.
Một án kỷ luật “lùm xùm” của VFF khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực trong thời gian qua bỗng dưng được giải quyết theo chiều hướng êm đẹp và nhanh chóng đến không ngờ. Tất cả là nhờ lòng hảo tâm của vị Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức.
Quế Ngọc Hải có thể thở phào vì được bầu Đức hỗ trợ 400 triệu đồng bồi thường cho Anh Khoa. (Ảnh: Ngọc Duy). |
Trong bối cảnh CLB chủ quản SLNA “ngó lơ” cùng lý do không đủ mạnh về tài chính để giải quyết, việc Quế Ngọc Hải được hỗ trợ một nửa tổng số tiền viện phí và phẫu thuật của Anh Khoa sau một thời gian dài “chạy đôn, chạy đáo” khắp nơi để “xoay” tiền rõ ràng là một giải pháp tình thế hoàn hảo.
Điều thấy rõ ràng nhất, việc bầu Đức đưa tay ra giúp đỡ trung vệ của SLNA ở thời điểm ngỡ rằng mọi người sẽ quay lưng sau hành vi vào bóng thô bạo đó là một món nợ ân tình với sức nặng vượt xa con số 400 triệu đồng mà Ngọc Hải được nhận từ “ân nhân” của mình.
HAGL đang "khát" một trung vệ "thép" như Quế Ngọc Hải?. (Ảnh: Trọng Phú). |
Ai có thể dám chắc rằng với món nợ ân tình đó, Ngọc Hải có thể từ chối không về đầu quân cho HAGL sau khi kết thúc hợp đồng đào tạo trẻ với CLB quê hương SLNA?
Sinh năm 1993, trung vệ từng là cựu đội trưởng U23 Việt Nam chỉ còn hơn 1 năm nữa là có thể chia tay đội bóng xứ Nghệ để dứt áo ra đi. Đó sẽ là thời điểm HAGL chẳng mất một xu phí chuyển nhượng nào để có được “hòn đá tảng” nơi tuyến phòng ngự, điều mà đội bóng phố Núi còn thiếu, đặc biệt là sau khi Tiến Dũng trở về Viettel do hết hạn hợp đồng đi mượn cầu thủ.
Với cầu thủ có “số má” với nhiều lần “ăn cơm tuyển” như Ngọc Hải, phí chuyển nhượng và lót tay tính sơ sơ cũng vào mức tiền tỷ. Với 400 triệu đồng đã bỏ ra ở thời điểm này, có thể thấy “bầu” Đức vẫn “lời” chán, theo đúng tiêu chí trước khi đến với bóng đá của ông là một doanh nhân.
Mùa 2017, Công Phượng và Quế Ngọc Hải sẽ là đồng đội ở HAGL? (Ảnh: Trọng Phú). |
Và không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới nay, dân gian vẫn lưu truyền câu nói “của cho là của nợ”.
Khi đồng tiền mà biết nói năng
Rất nhiều thông tin đăng tải việc “bầu” Đức khẳng định có thể huy động tài trợ tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm để tài trợ cho bóng đá Việt Nam sau cuộc họp BCH VFF ngày 4/12. Rõ ràng, ở thời điểm xã hội hóa thể thao còn nhiều khó khăn, việc tìm kiếm được những nhà tài trợ tâm huyết, sẵn sàng chi tiền cho cả ĐT U23 và ĐT Việt Nam cũng như cả bóng đá nữ là chuyện hiếm.
Và cũng bởi vì “hiếm” như vậy nên điều kiện của nhà tài trợ này là VFF không được gia hạn hợp đồng cùng HLV Miura. Việc một nhà tài trợ yêu cầu Liên đoàn bóng đá một quốc gia thay đổi HLV trưởng ĐTQG là chuyện hãn hữu, xưa nay hầu như chẳng thấy bao giờ.
Hội nghị BCH VFF lần thứ V nhiệm kỳ VII tìm được nhà tài trợ cho bóng đá Việt Nam cũng như không? (Ảnh: Hà Khánh). |
Bài toán được đặt ra với VFF là việc có cả trăm tỷ đồng/năm để lo liệu chi phí, qua đó xây dựng, phát triển bóng đá nước nhà, cả đội tuyển nam và nữ là quá lý tưởng. Thế nhưng, nếu đồng ý ký vào hợp đồng tài trợ này cũng đồng nghĩa với việc VFF ký vào bản án “khai tử” cho chính mình - cơ quan bóng đá hàng đầu của nước nhà, khi không còn được thực hiện công tác chuyên môn của mình, từ chọn lựa, bổ nhiệm HLV cho tới việc triệu tập các cầu thủ lên tuyển…
Rõ ràng triết lý bóng đá doanh nhân của bầu Đức đang tạo nên sự chia rẽ lớn trong nội bộ VFF. Bởi, khi đồng tiền mà biết nói năng…/.