Cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách hết mùa, rồi sao?
VOV.VN - Án phạt cấm CĐV Hải Phòng tới sân khách ở V-League hết mùa này của VFF tưởng chừng nghiêm khắc và nhiều tính răn đe nhưng lại quá sức bi hài.
1. Thực tế đây không phải lần đầu tiên vấn nạn pháo sáng trên khán đài, đặc biệt là từ các CĐV Hải Phòng khiến BTC V-League là VPF hay VFF trước đó phải đau đầu. Không chỉ ở Lạch Tray, những người hâm mộ quá khích của đội bóng đất Cảng còn thường xuyên biểu dương lực lượng với những chuyến hành quân xa và khiến các sân khách “thất thủ” bởi pháo sáng.
Còn nhớ mùa giải 2009, CĐV Hải Phòng cũng phải nhận án phạt cấm tới sân khách cổ vũ từ VFF sau khi đốt pháo sáng tưng bừng và gây gổ với lực lượng an ninh ở sân Hàng Đẫy.
Các CĐV Hải Phòng luôn "máu lửa" khi cổ vũ cho đội nhà nhưng lại tồn tại một bộ phận những thành phần quá khích ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người hâm mộ trên khán đài như thế này. (Ảnh: Minh Hoàng). |
Thế nhưng, chỉ ngay vòng sau đó, các thành phần quá khích này của đội bóng thành phố Hoa phượng đỏ tìm mọi cách “lách luật” để vào sân Thiên Trường và mọi biện pháp để nói không với pháo sáng của BTC giải đều bế tắc.
2. Sau phần “bi” sẽ là phần “hài”. Theo một thành viên trong Hội CĐV Hải Phòng, thì Hội này chưa được VPF hay VFF công nhận nên không rõ án phạt vừa công bố là dành cho ai ???
Bên cạnh đó, không thể quy kết một bộ phận nhỏ quá khích đó là đại diện cho hình ảnh của các CĐV Hải Phòng nên án phạt này đương nhiên sẽ phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội.
3. Một phần trong 4 án phạt được công bố sau vòng 14 V-League 2017 là số tiền lên tới 50 triệu đồng dành cho BTC trận đấu Hà Nội FC – Hải Phòng vì đã “bất lực” khi để các CĐV quá khích của Hải Phòng ném gần 60 quả pháo sáng xuống sân Mỹ Đình.
Có lẽ đây là lý do mà án kỷ luật cấm CĐV Hải Phòng chỉ áp dụng ở sân khách, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị “liên lụy” cho BTC các sân đấu, thay vì mang tính răn đe, giải quyết triệt để vấn đề và tuyên chiến với vấn nạn “pháo sáng” đang hoành hành ở V-League hiện tại.
VFF và VPF cần những biện pháp triệt để hơn nữa để tuyên chiến với vấn nạn pháo sáng "oanh tạc" các khán đài ở V-League. (Ảnh: Minh Hoàng). |
4. Có thể thấy, trong thời điểm “bối rối” khi nhà có sự vụ, VFF đã hành động rất nhanh, kịp thời với án kỷ luật nghiêm khắc cùng số tiền phạt lớn cũng thuộc dạng kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng, nghe rất “kêu” đó lại cho thấy sự bất lực trước những méo mó và bi hài.
5. Ở sân chơi "phủi", giải đấu phong trào đang được người hâm mộ môn túc cầu quan tâm là Ngoại hạng Hà Nội đã tạo nên thương hiệu của mình với khẩu hiệu "Chơi có ý thức - Chơi để tận hưởng", qua đó tạo nên một sân chơi ý thức để mọi người, từ các cầu thủ trên sân tới đông đảo khán giả trên khán đài cùng nhau tận hưởng niềm đam mê trái bóng tròn.
Bầu không khí sôi động với các khán đài luôn chật ních khán giả là niềm tự hào của HPL - S3 mà ngay cả V-League cũng phải mơ ước cùng khẩu hiệu "Chơi có ý thức - Chơi để tận hưởng". (Ảnh: Ngọc Duy). |
Phải chăng đây là sự khác biệt về khó khăn và thách thức trong cách thức tổ chức một giải đấu phong trào và chuyên nghiệp, khi bóng đá nước nhà đã bước sang năm thứ 17 kể từ khi "lên chuyên"?./.