Những “át chủ bài” Iran vẫn giữ trong tay trong cuộc đối đầu với Israel
VOV.VN - Trong cuộc tấn công trả đũa Israel hôm 13/4, Iran mới chỉ sử dụng các vũ khí đã lỗi thời để xóa tan “sương mù chiến tranh”. Trong tay Tehran vẫn còn “át chủ bài” được giữ lại để đề phòng căng thẳng với Israel leo thang kéo theo sự can dự của Mỹ.
Các chuyên gia đưa ra nhiều nhận định trái ngược nhau về loại vũ khí mà Iran đã sử dụng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel hôm 13/4. Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran mới đây đã tiết lộ về tên lửa tiên tiến mà Iran vẫn đang cất giữ trong kho để đề phòng căng thẳng leo thang với Israel kéo theo sự can dự của Mỹ.
Tư lệnh cấp cao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay, lực lượng nước này đã không triển khai tên lửa tiên tiến trong Chiến dịch True Promise tấn công vào Israel hôm 13/4 mà sử dụng các thiết bị đã lỗi thời kết hợp với một số đầu đạn tên lửa nâng cấp để xóa tan “sương mù chiến tranh” liên quan đến khả tiềm năng phòng không và phòng thủ tên lửa của Israel.
Theo Tasnim, các cuộc tấn công đêm 13/4 của Lực lượng Hàng không vũ trụ IRGC đã đạt được mục tiêu lập bản đồ các tuyến phòng thủ của Israel. Israel và các đồng minh của họ đã không thể bảo vệ hoàn toàn các địa điểm quân sự và tình báo mà Iran nhắm tới dù nhận được cảnh báo trước 72 giờ.
Do vậy, IRGC đã có thể có được cái nhìn thoáng qua về khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa mạnh nhất của Israel được Mỹ, Anh, Pháp và Jordan hỗ trợ, sử dụng chiến thuật tấn công nhiều đợt bằng vũ khí ngày càng tinh vi.
Làn sóng đầu tiên
Trong làn sóng đầu tiên của cuộc tấn công hôm 13/3 loạt máy bay không người lái tự sát (UAV kamikaze) Shahed-136 bay về phía mục tiêu với tốc độ khoảng 185 km/h, chúng phát ra tiếng ồn và dễ bị phát hiện do động cơ cánh quạt đơn giản.
Những chiếc UAV Shahed-238 tiên tiến hơn (biến thể chạy bằng động cơ phản lực của Shahed-136) đã không được sử dụng. Điều này bác bỏ tin tức trước đó trên một số phương tiện truyền thông cho rằng UAV Shahed-238 đã được triển khai sau đó. Theo phân tích của OSINT, Shahed-238 được cho là có tốc độ tối đa 500 km/h (một số nguồn cho biết là 800 km/h) và có lớp pủ có thể hấp thụ radar.
Đợt tấn công đầu tiên là nhằm đánh lạc hướng các lực lượng Israel và đồng minh, buộc họ phải dành thời gian tìm kiếm và nhắm mục tiêu vào những chiếc Shahed-136 trên bầu trời đêm và giao chiến với chúng thay vì tiến hành một cuộc phản công ngay lập tức vào Iran (một số quan chức Israel được cho là đã yêu cầu làm như vậy vào thời điểm đó).
Làn sóng thứ hai
Sau máy bay không người lái, IRGC chuyển sang đợt tấn công thứ hai, phóng tên lửa hành trình Paveh.
Được phóng từ bệ phóng đặt trên xe tải di động, Paveh có tầm bắn trên 1.000 km (một số nguồn cho là 1.650 km) và tốc độ bay khoảng 700-900 km/h. Iran đã sử dụng một số tên lửa Paveh trong cuộc tấn công vào Israel.
Làn sóng thứ ba
Đợt tấn công thứ ba và cũng là đợt cuối cùng bắt đầu sau nửa đêm, bao gồm việc bắn tên lửa đạn đạo. Những tên lửa này chỉ mất vài phút để đi vào không phận Israel sau khi phóng.
Phân tích của Tasnim chỉ ra rằng, IRGC đã không sử dụng các tên lửa tiên tiến nhất như Sejjil, Khorramshahr, Kheibar Shekan 2 hoặc các tên lửa siêu thanh dòng Fatah mới.
Dựa trên tầm bắn và đặc tính sức mạnh tấn công, IRGC có thể chọn các tên lửa Dezful, Qiam-2, Rezvan, Kheibar Shekan 1, Emad và Qadr. Những tên lửa này có tầm bắn từ 1.000-1.950km. Ngoại trừ Dezful và Kheibar Shekan, các tên lửa còn lại đều có hệ thống đẩy nhiên liệu lỏng.
Do khoảng cách giữa Iran và Israel, quân đội Israel và các đồng minh của họ không thể đánh chặn tên lửa Iran trong giai đoạn tăng tốc hoặc giữa hành trình bay của chúng.
Aegis của Mỹ được cho là hệ thống phòng không duy nhất có khả năng tấn công tên lửa Iran bay ngoài khí quyển. Các thiết bị khác của cả Mỹ và Israel, bao gồm Patriot, THAAD, Arrow-2 và 3, David's Sling và Iron Dome (Vòm Sắt) đều không có đủ khả năng để đánh chặn tên lửa ở tầm xa.
Báo cáo cũng nêu quan điểm tương tự một số nhà quan sát quân sự độc lập cho rằng tên lửa đạn đạo mà Iran sử dụng trong các cuộc tấn công “chứa đầu đạn siêu nhỏ hoặc đầu đạn phân mảnh”, khiến hệ thống phòng không và tên lửa của Israel và Mỹ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đánh chặn chúng.
“Trong các đoạn video đã được đăng tải, những quả đạn như vậy giống như một vật thể đang cháy hoặc một bộ phận của tên lửa bị bắn rơi, trong khi loại đạn này sẽ phân tán ra nhiều hướng khác nhau khi bị bắn trúng. Việc sử dụng đầu đạn phân mảnh dường như nhằm mục đích thu hút các đầu dò nhiệt của tên lửa phòng không hoặc hệ thống phát hiện trên mặt đất, buộc lực lượng phòng thủ phải dốc cạn kho tên lửa đánh chặn và cuối cùng là áp đảo lực lượng phòng không đối phương”, Tasnim giải thích.
Át chủ bài của Iran
Các hiện tượng được quan sát thấy trong những khoảnh khắc trước sự va chạm của đầu đạn, bao gồm việc tăng tốc tên lửa và thay đổi hướng khi lao xuống mục tiêu, dường như cho thấy Iran sử dụng tên lửa đẩy hoặc một số loại phương tiện tăng tốc khác.
Trong khi Israel sẽ cần nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để nâng cấp năng lực tên lửa phòng thủ của mình, Iran vẫn chưa tung ra át chủ bài của mình, chẳng hạn như Kheibar Shekan 2, Fattah 1, Fattah 2 và Khorramshahr. Hơn nữa, Iran có thể nhanh chóng đổi mới khả năng tấn công của mình chỉ bằng cách tối ưu hóa đầu đạn của tên lửa chứ không cần phải thiết kế lại chúng.
Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, Iran có thể lặp lại chiến thuật mà họ đã sử dụng hôm 13/4 trên quy mô lớn hơn. Khi đó họ sẽ bắn đạn một loạt quả đạn cũ để áp đảo hệ thống phòng không của Israel, sau đó phóng thẳng những tên lửa phức tạp nhất, nhắm trực tiếp vào các hệ thống phòng không, khiến đối phương mất khả năng phòng thủ.