Công Phượng và lứa cầu thủ HAGL: Cuộc sống mới dưới thời Miura
VOV.VN - Bây giờ, việc các cầu thủ HAGL lên đội tuyển U23 cũng giống như rời mái trường đem những gì học được thi thố với cuộc đời.
Trong vòng 2 năm qua, đội tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt là các cầu thủ khoá 1 Học viện HAGL – Arsenal – JMG lấy được tình cảm người hâm mộ nhờ việc thể hiện một thứ bóng đá tấn công hoa mỹ, đẹp mắt, đậm chất cống hiến trên sân.
Những pha ban bật giữa Tuấn Anh – Xuân Trường – Văn Toàn, những pha cầm bóng đột phá trong vòng vây 4 – 5 cầu thủ đối phương rồi ghi bàn của Công Phượng đã làm nên thương hiệu U19 Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ một đội bóng trẻ được các CĐV yêu quí như thế.
Đội bóng ấy chịu ảnh hưởng rất lớn từ HLV Guillaume Graechen. Không phải tất cả, nhưng đa số những cầu thủ ấy được vị HLV người Pháp rèn giũa từ nhỏ, từ khi chỉ là những viên ngọc thô, đưa các em vào môi trường bóng đá một cách quy củ, bài bản và sống với nhau như một gia đình, rồi trên cơ sở đó hình thành nên lối chơi riêng đậm bản sắc.
Với những cầu thủ như Công Phượng, trong 7 năm qua chỉ quen với một phong cách huấn luyện, một cách chơi, giờ phải thay đổi sẽ là điều vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, tiền đạo này vẫn khẳng định anh cảm thấy vinh dự và sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho đội tuyển U23.
Công Phượng cho biết: “Cầu thủ nào cũng cảm thấy rất vui và vinh dự khi lần đầu tiên được tập trung lên đội tuyển U23, em cũng vậy. Ở đội tuyển nào thì em cũng phải cố gắng. Không có ai là chắc suất cả. Vì thế em phải cố gắng thể hiện trên sân tập”.
Có thể ví HLV Guillaume Graechen giống như một người thầy ở trường học giúp các em định hình tác phong cách làm việc chuyên nghiệp và hoàn thiện kỹ thuật cá nhân. Bây giờ, việc lên đội tuyển U23 cũng giống như rời mái trường đem những gì học được thi thố với cuộc đời. HLV Toshiya Miura sẽ giúp các em có thêm những kỹ năng để thích nghi với sân cỏ chuyên nghiệp, nơi không chỉ cần những kỹ năng chơi bóng mà còn cần cả những mưu mẹo trong chiến đấu, ứng phó được với những va đập, những cạm bẫy, những pha chơi xấu của đối phương.
Lần đầu rời xa ông thầy Graechen, chắc chắn sẽ có nhiều cầu thủ bỡ ngỡ về quan điểm chơi bóng, về cách thức vận hành lối chơi dù nền tảng các em cũng đã được tích lũy để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp.
Nhận xét về sự khác biệt giữa 2 môi trường U19 và U23, cũng như giữa HLV Toshiya Miura với HLV Graechen, tiền vệ Đỗ Duy Mạnh, một cựu binh U19 có mặt trong danh sách đội tuyển lần này chia sẻ: “U19 là một lứa tuổi bọn em từng tham gia và được người hâm mộ rất quan tâm. Lên đây em thấy mọi chuyện khắc nghiệt hơn rất nhiều. Với bóng đá trẻ thì lên 2-3 tuổi thì sự cạnh tranh sẽ khác rất nhiều. Về 2 huấn luyện viên thì em nghĩ là mỗi thầy có một cách huấn luyện riêng, ai cũng muốn một tập thể đội bóng đoàn kết, tốt lên, mặc dù về phong cách thì mỗi người có phương pháp riêng”.
Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ 11 cầu thủ từng khoác áo U19 có thể thích nghi với một phương pháp hoàn toàn mới hay không, và các em sẽ làm thế nào để vẫn thể hiện được những phẩm chất cá nhân ưu việt trong hệ thống hoàn toàn xa lạ, chỉ có thể khẳng định chắc chắn rằng, HLV Miura sẽ không vì bất cứ một cá nhân nào mà thay đổi phương pháp huấn luyện của mình.
Trong mặt ông thầy người Nhật, không có cá nhân nào là ngôi sao cả. Việc ông từng để cả Tấn Tài và Công Vinh trên băng ghế dự bị tại AFF Suzuki Cup vừa qua là minh chứng rõ nét cho triết lý này. Với HLV Miura, ngôi sao duy nhất là tập thể, và cá nhân phải là những chi tiết ghép nối hoàn hảo để cả tập thể vận hành trơn tru./.