Vụ bé gái bị mẹ kế bạo hành đến tử vong: Hãy trao quyền tự bảo vệ cho trẻ!
VOV.VN - Để hạn chế những vụ việc đau lòng có thể tiếp diễn, ngay từ bây giờ, hãy trao cho trẻ quyền tự bảo vệ. Hãy cho các em được tiếp cận với những quyền mà luật pháp đã quy định về bảo vệ trẻ, trong đó có việc cung cấp cho các em đường dây nóng khi cần hỗ trợ…
Những ngày gần đây, dư luận phẫn nộ trước vụ việc bé gái N.T.V.A (8 tuổi) ngụ tại chung cư Sài Gòn Pearl bị mẹ kế hành hạ trong một thời gian dài và tử vong. Đây không phải là lần đầu xảy ra vụ việc mà trong thời dài gian qua, có rất nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, trong đó có những vụ là chính cha mẹ, người thân hành hạ các em đến nhập viện, thậm chí tử vong.
Trong mỗi gia đình, những đứa trẻ luôn là sự tiếp nối dòng giống và tương lai của cả cha mẹ, dòng họ. Các em có quyền được sống trong yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ và xã hội. Vậy nên, mỗi khi có những việc tiêu cực ảnh hưởng đến con trẻ, đều là sự quan tâm của các gia đình và cả xã hội.
Và những sự việc xảy ra như vừa qua đều để lại sự day dứt và đau đớn. Nhưng dường như, vẫn chưa có cách ngăn chặn hiệu hiệu quả, hết lần này đến lần khác, chúng ta vẫn phải chứng kiến các em bị hành hạ đau đớn về cả thể xác và tinh thần.
Kẻ ác rồi đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Nhưng điều ai cũng mong muốn là không phải chứng kiến những đứa trẻ sống trong bạo lực, đau đớn về cả thể xác và tinh thần. Trong nhiều vụ việc, các em bị bạo hành trong suốt một thời gian dài nhưng gần như không được bảo vệ, chỉ đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng như trường hợp bé N.T.V.A (8 tuổi) vừa rồi, thì mọi người mới biết, các cơ quan liên quan mới vào cuộc và lên tiếng.
Trong hầu hết các gia đình hiện nay, trẻ em luôn là đối tượng “yếu thế”, bởi quan niệm cha mẹ là người đẻ và nuôi nấng các con thì nghiễm nhiên con phải nghe lời, bất luận đúng sai. Nhiều em bị bố mẹ đối xử không công bằng, thậm chí bạo lực thì vẫn phải cam chịu. Và nhiều người làm cha mẹ coi đó là chuyện bình thường, bởi “thương cho roi cho vọt”. Bởi vậy, sự việc nhiều khi cứ liên tục xảy ra trở thành chuyện riêng, chuyện bình thường trong mỗi gia đình.
Còn trong trường học hiện nay, các em được học chữ nhiều hơn học kỹ năng, học cách bảo vệ mình trước những nguy hiểm rình rập, trong đó có cả nguy hiểm từ gia đình, người thân.
Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc và có cả Luật về bảo vệ trẻ em nhưng trên thực tế, việc tiếp cận của cả người lớn và trẻ em đối với những quy định về bảo vệ trẻ em còn rất hạn chế. Đa số các em không biết được mình có quyền được bảo vệ và chăm sóc như thế nào. Vậy nên, trong các vụ bạo hành trẻ em từ trước đến nay, hiếm có vụ nào mà người sống xung quanh lên tiếng tố cáo, đặc biệt gần như không bao giờ có tiếng kêu cứu từ phía nạn nhân và chỉ khi xảy ra hậu quả nặng nề thì mọi người mới biết.
Vì thế, để hạn chế những vụ việc đau lòng có thể tiếp tục xảy ra, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy trao quyền tự bảo vệ cho trẻ. Trước hết, trong mỗi gia đình và trường học, cùng với sự yêu thương, chăm sóc, truyền đạt kiến thức, thì hãy cho các em được tiếp cận với những quyền mà luật pháp đã quy định về bảo vệ trẻ. Trong đó có việc thiết thực là cung cấp cho trẻ đường dây nóng khi cần hỗ trợ, mà mỗi trẻ cần thuộc như là số điện thoại gọi cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát…
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ cần có hành động thiết thực hơn nữa, thể hiện đúng nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ. Những cơ quan này vào cuộc ngay khi có dấu hiệu của sự bạo hành trẻ chứ không phải là lúc sự việc xảy ra, hậu quả đã quá nghiêm trọng mới lên tiếng. Muốn thế, những cơ quan, tổ chức này phải thường xuyên có sự liên hệ với nhà trường, khu dân cư, chính quyền, an ninh khu vực để nắm tình hình địa bàn, từ đó mới có thông tin cụ thể để bảo vệ những đứa trẻ yếu thế.
Nhưng trên hết, vẫn là sự thương yêu đối với con trẻ của người lớn. Chúng ta đừng in lặng, thờ ơ khi cảm thấy ở trong gia đình mình, nơi mình sống có những đứa trẻ có dấu hiệu bị đe dọa, bị bạo hành.
Và chỉ có yêu thương, mầm ác mới không có cơ hội nảy nở và người lớn mới có thể làm mọi cách để bảo vệ những đứa trẻ./.