Hãy công bằng hơn với HLV Miura
VOV.VN - Người hâm mộ bóng đá Việt Nam nên có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn với HLV Miura thay vì buông ra những lời chỉ trích...
HLV Miura làm được gì cho bóng đá Việt Nam?
HLV Miura ngồi vào chiếc ghế nóng ở ĐT Việt Nam vào tháng 5 năm 2014. HLV người Nhật được người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng giúp bóng đá ở dải đất hình chữ S sẽ “hóa rồng” trong tương lai không xa.
Với lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, HLV Miura đã “cải tạo” và giúp bóng đá Việt Nam đạt được những thành tích đáng khích lệ ở cả sân chơi khu vực lẫn châu lục.
HLV Miura giúp bóng đá Việt Nam đạt nhiều cột mốc mới trong lịch sử (Ảnh: Trọng Phú). |
Ở đấu trường AFF Suzuki Cup (2014), HLV Miura đã giúp ĐT Việt Nam giành chiếc HCĐ. Cũng ở sân chơi khu vực, ĐT U23 Việt Nam đã giành chiếc HCĐ SEA Games 28 (2015). Đây là tấm huy chương đầu tiên của môn bóng đá nam ở đấu trường SEA Games kể từ đại hội năm 2009.
Ở sân chơi châu lục, tại đấu trường Asian Games 17 (2014), ĐT Olympic Việt Nam đã gây chấn động lớn khi thắng Olympic Iran với tỉ số 4-1, giành vé vào vòng 2 với tư cách đầu bảng H. Ngoài ra, HLV Miura cũng lần đầu tiên đưa U23 Việt Nam giành vé dự VCK U23 châu Á. Tiếc rằng, U23 Việt Nam đã bị loại từ vòng bảng sau 3 trận thua liên tiếp.
HLV Miura đã nhận được gì?
Mặc dù giúp bóng đá Việt Nam đạt những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử chỉ sau gần 2 năm nắm quyền, tuy nhiên HLV Miura lại bị một bộ phận các cổ động viên và truyền thông ở Việt Nam chỉ trích “ném đá” tơi bời.
Những người tự xưng là cổ động viên trung thành, luôn một lòng, một dạ vì bóng đá nước nhà chỉ trích HLV Miura không biết dùng người. Trong khi đó, báo chí Việt Nam thì cho rằng phong cách huấn luyện của HLV Miura không phù hợp với thể trạng người Việt Nam.
VFF khó gia hạn hợp đồng với HLV Miura
Chưa hết, HLV người Nhật còn bị các chuyên gia bóng đá Việt Nam “ném đá” dữ dội trên sóng truyền hình. Trong khi đó, Phó Chủ tịch VFFF - ông Đoàn Nguyên Đức đòi sa thải và khẳng định Miura là "HLV dở nhất trong 60 năm qua của bóng đá Việt Nam".
Ngày 21/1, HLV Miura và các học trò về nước sau khi bị loại khỏi VCK U23 châu Á. Ở sân bay Nội bài, không có CĐV nào chào đón và tặng hoa thầy trò HLV Miura ngoại trừ một số phóng viên có mặt để tác nghiệp. HLV Miura và các học trò lặng lẽ di chuyển khỏi sân bay để về nhà. Bản thân chiến lược gia người Nhật một mình ra xe và phải tự xếp đồ.
Hãy công bằng hơn với Miura
HLV Henrique Calisto, người dẫn dắt ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008 từng phát biểu: “Việt Nam có 30 triệu người là huấn luyện viên bóng đá, nên có thể sa thải bất kỳ huấn luyện viên nào vào bất kỳ thời điểm nào tùy thích”.
HLV Henrique Calisto đưa ra phát biểu ở thập kỷ trước, nhưng nó vẫn đúng ở thời điểm hiện tại. Bởi vì, trên khắp các diễn đàn, các trang mạng xã hội, 30 triệu, thậm chí là 40 triệu người HLV, đang ngày ngày bàn tán vế chiếc ghế của ông Miura và đòi chiến lược gia người Nhật nhanh chóng rời ghế.
Ở góc độ tình yêu với đội tuyển, có thể hiểu được cảm giác thất vọng và đau đớn khi ĐT Việt Nam thua Malaysia, gục ngã 0-3 trước Thái Lan ngay trên sân Mỹ Đình. Nhưng, ở góc nhìn khách quan, việc chỉ trích, miệt thị và đòi sa thải HLV người Nhật là bất công và vô ơn. Bởi vì, ông Miura cũng chỉ là... nạn nhân.
HLV Miura muốn sớm “chia tay” ĐT Việt Nam
Năm 1998, tức là 18 năm trước, HLV Alfred Riedl đã bắt được bệnh của bóng đá Việt Nam là “xây nhà từ nóc”. Theo HLV người Áo, những người làm bóng đá ở Việt Nam chỉ chăm chút vào đội tuyển quốc gia, chạy theo thành tích mà không quan tâm tới đào tạo trẻ.
Đến thời điểm này, HLV Miura cũng chẳng còn mặn mà, hay nói đúng hơn là chẳng dám “ôm” chiếc ghế HLV trưởng của ĐT Việt Nam, bởi nếu không bị sa thải thì chậm nhất đến tháng 4/2016, ông cũng hết hạn hợp đồng với VFF.
Ngay cả khi HLV Miura ra đi thì bộ mặt của bóng đá Việt Nam chưa chắc đã sáng sủa hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề, đưa bóng đá Việt Nam thoát khỏi tình cảnh như hiện tại, chúng ta cần một cuộc cách mạng, trước hết là ở thượng tầng. Vấn đề này được các chuyên gia, báo giới phân tích từ lâu, nhưng bao giờ thực hiện và thực hiện như thế nào thì câu trả lời vẫn nằm ở thì tương lai./.