HLV Miura và triết lý bóng đá với tuyển Olympic Việt Nam
VOV.VN - Dù mới chỉ làm việc ở Việt Nam một thời gian ngắn, song người ta cũng nhanh chóng nhận ra triết lý bóng đá đó của ông Miura.
Mặc dù là một người chịu ảnh hưởng của phong cách bóng đá Tấn công Tổng lực do từng có thời gian làm việc với HLV người Hà Lan Pim Verbeck, nhưng thứ giúp Toshiya Miura tạo dựng nên thương hiệu trong những năm cầm quân tại Nhật Bản là lối chơi thiên về phòng ngự.
Ông Takashi Morimoto, một cựu nhà báo thể thao Nhật Bản hiện đã chuyển qua nghề môi giới và ông bầu CLB, trong một lần trả lời báo chí Việt Nam đã nói rằng, Toshiya Miura là “một người luôn kiên định với triết lý phòng ngự của mình, dù không ít lần ông ấy bị báo chí và các CĐV Nhật Bản chỉ trích vì lối chơi đó”.
Với phong cách đề cao sự thực dụng, HLV Miura từng thu được thành công khi đưa 2 đội bóng Omiya Ardija và Consadole Sapporo thăng hạng từ giải hạng 2 lên hạng nhất Nhật Bản. Mùa bóng 2007, CLB Consadole Sapporo của Miura chỉ để thủng lưới 45 bàn sau 48 trận đấu, ít nhất giải Hạng 2 Nhật Bản và giành chức vô địch.
Học trò nổi tiếng nhất của Miura cũng là một cầu thủ thi đấu ở hàng phòng ngự: Eiji Kawashima, thủ môn số 1 của đội tuyển quốc gia Nhật Bản hiện tại, đang thi đấu cho Standard Liege tại Bỉ. Nhưng cũng với lối chơi đề cao sự thực dụng, HLV Miura đã thất bại tại Vissel Kobe và Venforet Kofu, 3 lần bị các đội bóng sa thải ở những giai đoạn khác nhau.
Dù mới chỉ làm việc ở Việt Nam một thời gian ngắn, song người ta cũng nhanh chóng nhận ra triết lý bóng đá đó của ông Miura. Trong cách vận hành chiến thuật của đội tuyển quốc gia tại AFF Suzuki Cup 2014 và đội tuyển Olympic tại ASIAD 17, có một điểm chung là công tác tổ chức phòng ngự không chỉ là việc của các tiền vệ trụ và hậu vệ, mà ngay cả các tiền đạo cũng phải tham gia khi cần.
Thường là mỗi khi mất bóng (hoặc đối phương tổ chức tấn công), nhà cầm quân người Nhật Bản sẽ yêu cầu các cầu thủ phải lùi thật nhanh về phần sân nhà; hoặc phải tổ chức vây bắt từ bên phần sân đối phương một cách quyết liệt, nhằm giảm tải áp lực cho hàng tiền vệ và hàng phòng ngự.
Sơ đồ ưa thích của HLV Miura là 4-4-2 hoặc 4-5-1, trong đó cặp tiền vệ trung tâm thường xuyên là những người mạnh về phòng ngự hơn tấn công. Cặp Ngô Hoàng Thịnh – Nguyễn Huy Hùng, bộ đôi đá chính cả ở đội tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia trong năm qua là những cầu thủ tiêu biểu cho triết lý bóng đá của Miura.
Không sở hữu kỹ thuật quá xuất sắc, cả Hoàng Thịnh và Huy Hùng thi đấu chủ yếu bằng sức mạnh và sự xông xáo, sẵn sàng xuất hiện ở mọi điểm nóng, tranh chấp bóng mọi lúc mọi nơi với cầu thủ đối phương. HLV Miura sẵn sàng hy sinh sức sáng tạo của đội trưởng Tấn Tài để lấy chỗ cho những tiền vệ trung tâm giàu sức mạnh, có khả năng phòng ngự tốt như Hoàng Thịnh và Huy Hùng. Chỉ chi tiết này cũng nói lên quan niệm và triết lý đề cao phòng ngự của ông Miura.
Ở hàng tiền vệ đã thế, ở hàng hậu vệ, HLV Miura thường xuyên sử dụng Quế Ngọc Hải – một cầu thủ có sở trường đá trung vệ thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh phải tại AFF Suzuki Cup vừa qua. Trong bóng đá hiện đại, hậu vệ 2 biên thường là những người phải có năng lực hỗ trợ tấn công.
Nhưng với Quế Ngọc Hải, một trung vệ khi bị kéo ra biên, khả năng hỗ trợ tấn công có thể không quá xuất sắc nhưng bù lại, có thể hoàn toàn yên tâm trong công tác phòng ngự, chống phản công nhanh.
Câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra với Nguyễn Minh Tùng, một trung vệ nhưng thường xuyên được sử dụng chơi hậu vệ trái ở đội tuyển Olympic Việt Nam. Có thể thấy, với HLV Miura, một hậu vệ trước hết phải đảm bảo nhiệm vụ phòng ngự rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện hỗ trợ tấn công./.