Tìm hiểu hệ thống chuyển nhượng TMS trong thương vụ MU-De Gea-Real
Thương vụ De Gea đổ bể vì bên bán đã gửi hồ sơ thông qua Hệ thống chuyển nhượng quốc tế (TMS) của FIFA không kịp giờ quy định.
Khi TMS chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2010, người ta tự hỏi là vì sao một hệ thống ưu việt như vậy phải đợi đến tận thời điểm ấy mới đưa vào hoạt động?
Trước khi có TMS, một vụ chuyển nhượng quốc tế là cả một cực hình về thủ tục. Hai CLB sẽ phải gặp nhau thỏa thuận giá cả, cầu thủ sẽ ký hợp đồng với bên mua và tất cả sẽ phải chờ “Giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế” (ITC).
MU "chơi khăm" Real thương vụ De Gea? (Ảnh: Getty) |
Để có được ITC, bên bán phải gửi hồ sơ về cho FIFA, nhân viên chịu trách nhiệm sẽ nhận hồ sơ, kiểm tra rồi gửi về Liên đoàn bóng đá của CLB mua. Rồi Liên đoàn ấy sẽ yêu cầu thủ tục đăng ký từ Liên đoàn của CLB bán. Sau khi có được giấy đăng ký này, FIFA mới xuất ITC để vụ chuyển nhượng được hoàn tất.
Và toàn bộ những thủ tục giấy tờ này đều được thực hiện theo phương thức cổ điển là fax. Và vì có quá nhiều thủ tục, quá nhiều cửa ải, thành ra tiêu cực phát sinh là chuyện hết sức bình thường. Có khi vì bận bịu quá nhiều vụ chuyển nhượng, một CLB phải chờ cả tuần lễ mới có ITC là chuyện bình thường. Bên bán chưa bán được, bên mua chưa có người và cầu thủ thì ở trạng thái chờ. Đã bao nhiêu lần vì ITC mà hai CLB trở mặt chỉ trích nhau, rồi chỉ trích luôn cả FIFA. Thậm chí nhiều CLB đã tận dụng ITC như một cách để rửa tiền.
Vì quá nhiều bất cập như thế mà TMS ra đời. Hệ thống chuyển nhượng quốc tế của FIFA dựa trên kỹ thuật máy tính, phần mềm và email. Nó giúp những vụ chuyển nhượng diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đại hội FIFA nhanh chóng thông qua với 199 phiếu ủng hộ, chỉ có 3 phiếu chống.
Giao diện hệ thống TMS (Ảnh: FIFAtms). |
Sếp sòng của TMS là Mark Goddard. Ông cho biết: “Tất cả các CLB phải cung cấp dữ liệu bắt buộc về cầu thủ, sao chép toàn bộ hồ sơ và giải trình mọi chi phí liên quan đến vụ chuyển nhượng”. FIFA sẽ nhận hồ sơ trực tuyến rồi cấp ITC để thông qua vụ chuyển nhượng. Ngày trước một vụ tốn vài ngày thậm chí và tuần, bây giờ chỉ mất có 7-10 phút.
Yêu cầu duy nhất trong vụ này là cả bên bán và bên mua phải cung cấp thông tin đồng bộ. Chỉ cần có một sai lệch, FIFA lập tức hủy chuyển nhượng. Giống như khi bạn đăng nhập vào một email và bị thông báo là sai mật khẩu vậy.
Có thể thấy với TMS, mọi thứ đã trở nên cực kỳ rõ ràng và minh bạch. Vấn nạn rửa tiền và gian lận đã được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng TMS bị qua mặt. Đấy là khi một bên thứ 3 xuất hiện và có ăn chia với bên bán cầu thủ. Những giao dịch ngầm kiểu này sẽ không hiển thị trên TMS. FIFA đang cố sức thay đổi điều đó khi tỏ ra kiên quyết với những vụ chuyển nhượng thông qua bên thứ 3 bởi những tổ chức này thường là nơi rửa tiền hữu hiệu nhất.
HLV Del Bosque ra lời cảnh báo De Gea
Trở lại với vụ David de Gea, cuộc chuyển nhượng đổ bể chính là vì phía Man United đã chuyển dữ liệu lên TMS không đúng giờ quy định hoặc chuyển đúng giờ nhưng hệ thống máy chủ không truy cập được vào thông tin. Và vì đã sát giờ nên không còn cách nào có thể giải quyết được nữa. Vào cái thời mà TMS chỉ cần 10 phút để xử lý dữ liệu, nếu một vụ chuyển nhượng mà vẫn còn nói là “không kịp giờ” thì hết 90% là bên bán chơi khăm bên mua mà thôi./.