Trương Thị Phương - người viết nên câu chuyện cổ tích ở tuổi 16
VOV.VN - Giành HCV ở SEA Games 28, Trương Thị Phương tiếp tục viết nên câu chuyện cổ tích với chiếc HCV Canoeing ở giải vô địch châu Á 2015.
Câu chuyện cổ tích của Phương “bim”
Nhắc đến Trương Thị Phương, chắc hẳn nhiều người yêu thể thao Việt Nam nói chung và Đua thuyền nói riêng sẽ nhớ tới cô gái đã giành tấm HCV nội dung 200m C1 ở SEA Games 28 tổ chức trên đất Singapore hồi tháng 6.
Phương chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, vả lại đây cũng là lần đầu tiên VĐV này tham dự SEA Games nên ban huấn luyện không đặt nhiều kỳ vọng. Vì vậy, tấm HCV của Phương giành được nằm ngoài dự kiến của Đua thuyền Việt Nam ở kỳ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á vừa qua.
Trương Thị Phương vừa giành HCV ở nội dung 500m C1 tại giải vô địch châu Á 2015 (Ảnh: Dương Thuật). |
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều bất ngờ duy nhất mà Trương Thị Phương dành cho người hâm mộ thể thao nước nhà. Mới đây, Phương “bim” (biệt danh được HLV Lưu Văn Hoàn đặt) tiếp tục giành chiếc HCV ở nội dung 500m C1 tại giải vô địch châu Á 2015.
Không chỉ là VĐV trẻ tuổi nhất giành HCV ở SEA Games cho Đoàn thể thao Việt Nam, Phương còn viết nên câu chuyện “cổ tích” khi lần đầu tiên trong lịch sử giành HCV cho Canoeing Việt Nam tại sân chơi châu lục. Điều đáng nói là Phương giành được những vinh quang này khi mới 16 tuổi.
Con ngoan, trò giỏi
Phương là em út trong gia đình có 2 anh em ở thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bố Phương là ông Trương Hồng Quân và mẹ là bà Phó Thị Hai. Gia đình Phương là một gia đình thuần nông.
Mặc dù, gia đình thuần nông, nhưng nhà ông Quân, bà Hai chỉ có 2 sào ruộng vì thời điểm chia ruộng thì Phương và anh trai Phương vẫn chưa ra đời. Bởi vậy, bố mẹ Phương đã phải làm rất nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, nuôi các con ăn học, từ chặt củi, bẻ măng...
Xuất thân từ nhà nông nên những việc như cấy, gặt, cắt cỏ hay chăn trâu, Phương đều trải qua. Nhà có trồng xoài và vải nên khi đến vụ, Phương mang hoa quả ra chợ bán lấy tiền. Có lẽ chính những việc làm như vậy đã giúp Phương có cơ địa, sức khỏe và chiều cao vượt trội so với các bạn cùng trang lứa.
Nói về Phương, cô Vân hàng xóm cho hay: “Phương nó ngoan và rất giỏi, giỏi nhất làng này đấy. Từ nhỏ nó đã đi chợ, lớn lên một xíu thì giúp bố mẹ làm những việc nhà, cấy, gặt, chăn trâu cắt cỏ đều làm hết. Phương rất khỏe, có khi bốc vác chưa chắc người khác đã hơn được nó đâu”.
Thường xuyên tập luyện xa nhà, nhưng mỗi khi về thăm bố mẹ, Phương vẫn làm việc nhà phụ gia đình rất nhanh nhẹn mà không ngượng chân, ngượng tay (Ảnh: Dương Thuật). |
Phương đến với môn Đua thuyền một cách tình cờ. Năm 2012, khi Phương học lớp 8 ở Trường THCS Trung Mỹ, các thầy trên tỉnh về tuyển chọn vận động viên, nhờ có vóc dáng cao và khỏe mạnh nên em đã được tuyển chọn.
Phương là người yêu thích thể thao nên khi được các thầy hỏi đến cô bé khá thích thú. Về nhà hỏi bố mẹ đồng ý, thế là Phương lên tỉnh tập trung. Ban đầu, Phương muốn học võ, nhưng bố mẹ không muốn nên em được thầy Lưu Văn Hoàn chọn vào môn Đua thuyền.
Do từ nhà đến trung tâm tập luyện ở Vĩnh Yên cách hơn 20km nên Phương phải chuyển hồ sơ ra ngoài đó để vừa học vừa tập luyện. “Thời gian đầu em rất nhớ nhà, đã có lúc em khóc nhè. Nhưng, về sau thì quen hơn khi có nhiều bạn. Đầu tiên 1 tuần bố ra đón em về nhà một lần, sau này đỡ nhớ nhà hơn thì 1 tháng em mới về” - Phương chia sẻ.
Quá trình tập luyện của Phương rất vất vả, nhưng cô gái dân tộc Sán Dìu không lùi bước. Phương tập luyện chăm chỉ, hoàn thành giáo án của huấn luyện viên. Ngoài biệt danh Phương “bim” mà thầy Hoàn đặt vì thích ăn bim bim, Phương còn được bạn bè gọi cái tên là Phương “trâu” vì sức khỏe và sự dẻo dai hơn người.
Nói về cô học trò, huấn luyện viên Lưu Văn Hoàn, người phát hiện và đào tạo Phương từ năm 2012 cho biết: “So với các bạn cùng trang lứa, Phương có thể hình và sức khỏe hơn hẳn. Phương rất nỗ lực và tập trung trong quá trình tập luyện”.
“Phương có sự đặc biệt là không muốn nói trước bất cứ một điều gì. Phương có mục tiêu của mình, nhưng không bao giờ em nói ra mà miệt mài tập luyện, thi đấu để đạt được nó” - huấn luyện viên Lưu Văn Hoàn chia sẻ thêm.
Đúng như lời thầy Lưu Văn Hoàn nói, khi hỏi về mục tiêu của em trong thời gian tới, Phương trả lời một cách ngại ngùng: “Mục tiêu của em trong thời gian tới là cố gắng tập luyện và thi đấu hết sức mình ở các giải mà mình tham dự thôi anh ạ”./.