UEFA chính thức chào đón thành viên thứ 55
VOV.VN - LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã chính thức có thành viên thứ 55 là Kosovo sau cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm qua.
Ngày hôm qua, LĐBĐ châu Âu đã tiến hành cuộc bỏ phiếu để xác định tư cách thành viên của LĐBĐ Kosovo.
Kết quả, 28 trong tổng số 54 liên đoàn thành viên ủng hộ Kosovo gia nhập UEFA, 24 liên đoàn phản đối còn 2 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng.
Kết quả này đồng nghĩa với việc, Kosovo đã là một thành viên chính thức của UEFA, nâng tổng số liên đoàn trực thuộc UEFA lên con số 55.
Thành viên LĐBĐ Kosovo vui mừng sau quyết định của UEFA. (Ảnh: AFP). |
Sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Kosovo Hashim Thaci không giấu được sự vui mừng của mình trên facebook cá nhân: "Kosovo đã là thành viên của UEFA, chúng ta sẽ được tranh tài ở các giải đấu quốc tế. Thắng thua không quan trọng, quan trọng là không ai có thể cấm chúng ta chơi bóng được nữa."
Với việc Kosovo gia nhập UEFA, ĐTQG nước này sẽ có thể tham dự vòng loại EURO bắt đầu từ giải đấu năm 2020, các CLB của nước này cũng có thể được dự cúp châu Âu từ mùa giải 2017-2018.
Tuy nhiên, do chưa phải là thành viên FIFA nên Kosovo sẽ không thể tham dự vòng loại World Cup và các giải đấu do FIFA tổ chức. Hiện chưa rõ FIFA có đồng ý để các cầu thủ gốc Kosovo đã khoác áo các ĐTQG khác như trường hợp của những Granit Xhaka, Xherdan Shaqiri and Valon Behrami, Adnan Januzaj được trở về khoác áo ĐT quê hương hay không.
UEFA tăng cường an ninh cho VCK EURO 2016 sau vụ đánh bom ở Bỉ
Phần đông các liên đoàn thành viên UEFA đồng tình với quyết định Kosovo gia nhập tổ chức bóng đá lớn nhất châu Âu nhưng LĐBĐ Serbia lại kịch liệt phản đối.
Ông Tomoslav Karadzic, chủ tịch LĐBĐ Serbia nói: "Đây là một quyết định mang tính chính trị chứ không còn đơn thuần là bóng đá. Chúng ta đang đứng trước thời khắc khó khăn. Trong những thời điểm như thế này, không nên đưa ra những quyết định liên quan đến chính trị."
"Quyết định này của UEFA có thể gây chia rẽ sâu sắc trong khu vực, đồng thời tạo nên những điều tồi tệ cho toàn châu Âu."
Kosovo là một vùng đất ở phía nam Serbia, tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn toàn được cả thế giới công nhận. Điều này tạo nên những căng thẳng về chính trị giữa Kosovo và Serbia kéo dài trong suốt những năm qua mà chưa có dấu hiệu lắng dịu./.