VAR trong World Cup 2018: Người ủng hộ, kẻ phản đối
VOV.VN - Phần lớn ý kiến phản đối xuất phát từ việc lo ngại công nghệ có thể đánh mất đi những cảm xúc tự nhiên mà bóng đá mang lại.
Sau rắc rối về những chiếc ghế trống trên các khán đài, FIFA lại đang phải đối mặt với một cơn đau đầu khác mang tên VAR. Đây là kỳ World Cup đầu tiên, công nghệ video được đưa vào sử dụng để hỗ trợ tổ trọng tài điều khiển trận đấu. Và tranh cãi nảy sinh.
Cũng giống như Jean Marc-Bosman từng đi vào lịch sử bóng đá châu Âu, Andres Cunha, trọng tài người Uruguay điều khiển trận đấu giữa Pháp và Australia, có thể đi vào lịch sử bóng đá thế giới và World Cup, với tư cách là người đầu tiên áp dụng VAR, không phải 1 mà 2 lần. Và rắc rối hơn, đội tuyển Pháp là những người được hưởng lợi nhất từ những quyết định của ông vua sân cỏ người Nam Mỹ.
Công nghệ VAR đang tạo những luồng ý kiến trái chiều ở World Cup 2018 (Ảnh: Getty)
Tranh cãi nảy sinh. Không phải tới bây giờ mới xuất hiện. Thực tế, không phải ai cũng thích VAR. Và hiển nhiên, cũng có những người ủng hộ nó.
Leandro Dos Santos, phóng viên của Đài Truyền hình DRD, Argentina, chia sẻ: “Tôi đồng ý với bạn rằng tranh cãi là điều khó thể tránh khỏi đối với việc xuất hiện một thứ mới mẻ trong một môn thể thao có lịch sử trên 100 năm.
Điều đó càng đặc biệt hơn khi VAR được sử dụng trong trận đấu hôm nay giữa tuyển Pháp và Australia. Tôi nghĩ tất cả đã sẵn sàng cho việc sử dụng nó. Tôi không đặt mình vào vị trí của người ủng hộ hay phản đối sử dụng công nghệ trong thể thao.
Nếu điều đó là tốt cho môn thể thao, vậy thì nên ủng hộ. Vấn đề là người ta cần biết sử dụng một cách linh hoạt, nhanh nhạy và phục vụ sự phát triển của bóng đá. Nếu việc sử dụng công nghệ mất nhiều thời gian, gây nhiều tranh cãi, nó sẽ đánh mất sự liền mạch, nhịp điệu và tốc độ của trận đấu. Nhưng với những gì chúng ta đã thấy, tôi ủng hộ việc sử dụng VAR trong bóng đá”.
Tuy nhiên, Mike Chalhoub, PV kênh truyền hình Maysdeen TV (Lebanon), lại có cách nhìn khác về vấn đề này: “Đây là lần đầu tiên FIFA sử dụng công nghệ video vào một trận đấu World Cup, nhưng đó không phải là lần đầu tiên người ta dùng công nghệ trong thể thao.
Tuy nhiên, với bóng đá, tôi cho rằng việc sử dụng công nghệ này sẽ làm cho trận đấu trở nên nhàm chán, thiếu cảm xúc. Chúng ta đều biết Diego Maradona từng ghi 1 bàn thắng bằng tay, một quyết định tồi tệ, nhưng đó chính là điều đem đến cảm xúc cho hàng triệu CĐV, không chỉ ở thời điểm đó mà đến tận bây giờ”.
Công nghệ VAR giúp Pháp thắng nhọc nhằn trước Australia
Không chỉ giới truyền thông, chính các CĐV cũng có những quan điểm trái ngược nhau về chủ đề này: “Tôi nghĩ người ta đã có sự nghiên cứu và thử nghiệm trong các trận đấu trước đó. Tôi thấy trọng tài sẽ có những quyết định chính xác hơn. Nhưng con người cần cảm xúc!”
“Tôi nghĩ FIFA nên sử dụng nó trong tất cả các trận đấu World Cup sau này, bởi nó có thể ngăn việc trọng tài đưa ra một quyết định sai lầm, dù chuyện đó là bình thường trong cuộc sống, bởi ai chẳng có lúc mắc sai lầm.
Tuy nhiên, với một quyết định sai lầm có thể ảnh hưởng tới kết quả của trận đấu, điều đó rất cần cân nhắc. Quan trọng là FIFA sẽ sử dụng công nghệ này như thế nào cho tốt, để giúp trận đấu trở nên hấp dẫn hơn”.
Hơn một lần, công nghệ VAR đã được các trọng tài sử dụng trong các trận đấu World Cup 2018. Đa số các quyết định đều chính xác, dù chúng ta cũng chứng kiến hơn 1 lần trọng tài bẻ quyết định tư vấn từ tổ hỗ trợ VAR.
Diego Maradona từng ghi 1 bàn thắng để đời với tình huống chơi bóng bằng tay. Bàn thắng đó có lẽ gây không ít tranh cãi, nhưng cũng đem đến nhiều cảm xúc cho NHM. Điều đó có thể không bao giờ trở lại, khi công nghệ VAR đang dần được đưa vào các trận đấu. Khi đó, cảm xúc của con người có thể bị trói buộc bởi công nghệ.
Tranh cãi sẽ còn tồn tại. Nhưng ở đâu có đấu tranh, ở đó sẽ phát triển./.