05h00 ngày 1/7:

Brazil – Tây Ban Nha: Cuộc chiến Ngai vàng

Brazil ở thời điểm hiện tại khó có thể đe dọa ngai vàng của Tây Ban Nha.

Đó là cuộc đối đầu giữa dĩ vãng đẹp đẽ và ngẫu hứng như thể bước ra từ thời kỳ sơ khai của bóng đá, và hiện tại là cái đẹp của sự đơn giản gọt giũa đến tối đa. Giữa những lưu luyến của dấu ấn cá nhân và xu thế tập thể lên ngôi như một sự tất yếu. Brazil đi tìm sự gắn kết tập thể ấy, còn Tây Ban Nha (TBN) lại mỏi mắt kiếm dấu ấn cá nhân. Brazil tìm sự trở lại, TBN từ chối bước xuống ngai vàng.

Brazil “thực dụng hóa”

Ai đó bảo rằng trước khi lăn qua chân người Brazil, bóng đá chưa phải nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật luôn là thứ không bền vững, vì nó cần cảm hứng và sự tái tạo liên tục. Bóng đá hiện đại ngày càng khó ‘dung dưỡng’ cho nghệ thuật, và trong quá trình thích ứng ấy, người Brazil đánh mất nghệ thuật của họ.

Brazil có đe dọa được ngai vàng của TBN?. Ảnh: Thethaovanhoa.

Brazil vẫn là đất nước xuất khẩu cầu thủ số một thế giới, nhưng trong nửa thập kỷ trở lại, số cầu thủ tấn công hàng đầu thế giới là người Brazil liên tục mai một. Trước đây, các CLB lớn của châu Âu sẵn sàng xây dựng đội bóng quanh một người Brazil (thậm chí còn nuông chiều họ), như Ronaldinho ở Barcelona hay Ronaldo “béo” ở Inter, nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra rằng đó là sự mạo hiểm.

Tài năng của người Brazil rất đặc biệt, nhưng khát khao chơi bóng với hiệu suất tối đa của họ tương đối ngắn: Ronadinho sang Barca năm 2003, đạt đỉnh cao vào 2005 và đến 2006 thì bắt đầu xuống dốc, Robinho chỉ chơi tốt thực sự ở giai đoạn đầu tại bất kỳ đội bóng châu Âu nào anh đặt chân đến, từ Real Madrid, AC Milan cho đến Manchester City. Các cầu thủ Brazil cũng là những người thiếu chuyên nghiệp, sẵn sàng đẩy sự nghiệp của họ xuống vực bởi rượu, gái và những cuộc tiệc tùng thâu đêm.

Sự ruồng bỏ của châu Âu với người Brazil đã buộc chính các cầu thủ đến từ xứ sở này phải tự thích ứng, và trong quá trình thích ứng ấy, họ đánh mất phép màu từng có. Theo dõi Neymar thi đấu ở Confed Cup lần này, chúng ta cũng thấy anh phục vụ cho ý đồ chiến thuật của HLV Scolari nhiều hơn là cách chơi ngẫu hứng cá nhân ở giải VĐQG Brazil. Dù Neymar hiện tại được cho là nét Samba cuối cùng.

Vì đi tìm sự thích ứng với lối chơi của châu Âu, các cầu thủ Brazil đánh mất nghệ thuật từ bản năng của họ, và lại phải đi tìm sự gắn kết tập thể họ đã từng không mấy coi trọng. Tất cả vì chiến thắng.

TBN đi tìm dấu ấn cá nhân

Ai đó đã nói rằng nếu một cầu thủ TBN đứng riêng rẽ, anh ta thường không là gì cả. Bóng đá TBN nổi tiếng về mặt kỹ thuật, nhưng các phẩm chất khác của các cầu thủ đều ở mức bình thường, và đó là lý do khiến bất kỳ một cá nhân nào của TBN cũng khó có thể một mình định đoạt trận đấu, kiểu như các ngôi sao Brazil trước đây.

Trong nhiều năm, đội tuyển TBN nằm dưới cái bóng của chỉ một cầu thủ: Raul Gonzalez. Cái bóng ấy tạo ảnh hưởng lớn đến nỗi tính cách của anh cũng trở thành số phận của đội TBN: Rất giỏi, nhưng không phải là kẻ kiệt xuất. Và như đã nói, bóng đá TBN không sản sinh ra những siêu sao có thể tạo nên phép màu.

Điều thú vị là lời giải cho bóng đá TBN đến đúng vào lúc mà châu Âu không còn chuộng sự cá nhân của người Brazil nữa. Năm 2008, khái niệm Tiki-taka chính thức đưa TBN lên đỉnh châu Âu và mở màn cho kỷ nguyên thống trị của họ từ đó đến nay. Lối chơi tập thể ấy đặc biệt phù hợp với người TBN, và nâng tầm những người như Xavi hay Iniesta, vốn không có cá tính mạnh, lên hàng siêu sao.

Nhưng hệ quả là họ cũng “một màu” hơn, cả về cá tính (các cầu thủ đào tạo từ lò La Masia dường như đều bẽn lẽn giống nhau) lẫn cách chơi bóng. Ở cấp CLB, Lionel Messi là nét chấm phá. Nhưng ở TBN, không có ai đảm đương vai trò ấy.

Cuộc tập dượt nói lên điều gì?

Brazil tỏ ra thích ứng khá nhanh với lối chơi “thực dụng hóa”: Họ đi đến trận chung kết bằng lối chơi đơn giản, những bài miếng và các bàn thắng cũng đơn giản. Nhưng cách chơi của họ vẫn thiếu sự gắn kết và uyển chuyển. Nó chỉ nguy hiểm vì được thực hiện bởi những cầu thủ có đẳng cấp, mà Neymar là người nổi trội nhất.

TBN thì vẫn còn băn khoăn xem họ phải đi tìm dấu ấn cá nhân ở đâu. Trận bán kết gặp Italia đã cho thấy rằng một khi không có những cá nhân “dám” vượt qua khuôn khổ của Tiki-taka, thì vượt trội về sở hữu bóng cũng đồng nghĩa với sự luẩn quẩn. Lối chơi nhanh mạnh của đội Thiên thanh, mang chút dáng dấp của cách Bayern hạ Barcelona tại Champions League mùa trước, khiến TBN thực sự chao đảo.

Nhưng nếu sự gắn kết là điều mà Brazil đang hướng đến, thì TBN vẫn là bậc thầy của họ. Nếu Neymar vẫn chơi theo kiểu bị trói buộc về chiến thuật như cũ, anh khó có thể làm nên trò trống gì.

Và ở một trận đấu trước một đối thủ chỉn chu như TBN, Brazil cần nhiều hơn “chất” Samba đã có. Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể “bê” một đội Brazil quá khứ về đây, để hòng đe dọa ngai vàng của TBN./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hạ gục Italia trên chấm phạt đền, Tây Ban Nha vào chung kết
Hạ gục Italia trên chấm phạt đền, Tây Ban Nha vào chung kết

(VOV) - Sau 120 phút không bàn thắng, Tây Ban Nha lẫn Italia phải trải qua tới 7 loạt 11m mới có thể xác định được thắng thua.

Hạ gục Italia trên chấm phạt đền, Tây Ban Nha vào chung kết

Hạ gục Italia trên chấm phạt đền, Tây Ban Nha vào chung kết

(VOV) - Sau 120 phút không bàn thắng, Tây Ban Nha lẫn Italia phải trải qua tới 7 loạt 11m mới có thể xác định được thắng thua.

HLV Del Bosque: “Italia đã lấn át Tây Ban Nha”
HLV Del Bosque: “Italia đã lấn át Tây Ban Nha”

(VOV) – Thắng chật vật Italia qua loạt luân lưu, HLV Del Bosque thừa nhận rằng các cầu thủ Tây Ban Nha đã bị lấn át.

HLV Del Bosque: “Italia đã lấn át Tây Ban Nha”

HLV Del Bosque: “Italia đã lấn át Tây Ban Nha”

(VOV) – Thắng chật vật Italia qua loạt luân lưu, HLV Del Bosque thừa nhận rằng các cầu thủ Tây Ban Nha đã bị lấn át.