|
Trịnh Văn Vinh cho biết đã dùng thuốc chữa đau lưng (Ảnh: Độc Lập). |
Cần làm sáng tỏ vụ việc
Một bác sĩ thể thao cho biết: “Hiện có khoảng hơn 350 chất cấm, thuộc 8 nhóm chất và 3 phương pháp cấm trong thể thao. Các nhóm chất được sử dụng nhiều nhất là nhóm hormone steroid, trong đó có hormone nam, nhóm tăng cơ, hormone tăng trưởng, kích thích sản xuất hồng cầu, nhóm giảm đau, tăng hưng phấn thần kinh... Loại thuốc Trịnh Văn Vinh sử dụng mà anh nói là để chữa đau lưng khi phát biểu với Báo Thanh Niên, bị phát hiện chứa hai loại chất cấm, trong đó có chất testosterone - một loại phổ biến nhất trong các nhóm chất doping, nhằm tăng khối lượng cơ lúc thi đấu”.
Cho đến thời điểm này, chưa thể kết luận Vinh vô tình hay cố ý sử dụng; nhưng theo một quan chức Tổng cục TDTT: “Rất có thể Vinh nghĩ rằng vừa được kiểm tra doping tại ASIAD vào tháng 8 nên trong năm 2018 sẽ không phải kiểm tra thêm một lần nào nữa. Nhưng IWF đã tiến hành kiểm tra đột xuất. Họ sang VN mà không báo trước và nhờ Trung tâm doping và y học thể thao lấy mẫu thử để họ tự gửi phòng lab mẫu thử đó. Do thời điểm Vinh được lấy mẫu thử, anh đã trở về đội Công an Nhân dân, chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc nên chúng tôi sẽ phải sớm làm việc với lãnh đạo và BHL của đội, nhằm làm rõ sự việc”.
Theo bộ luật Phòng chống doping thế giới 2015, vì thời điểm Vinh được kiểm tra doping không nằm trong thời gian thi đấu nên thành tích của anh tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018 (1 HCV, 2 HCB) sẽ không bị tước. Nhưng thực hiện đúng tinh thần thông tư về giám định khoa học và đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe VĐV do Bộ VH-TT-DL ban hành năm 2015, ngành thể thao đã quyết định tạm loại Trịnh Văn Vinh khỏi danh sách đầu tư trọng điểm năm 2019 và tiếp tục chờ kết quả chính thức từ IWF.
Được biết, trong thời gian tới, Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm doping của IWF sẽ nhóm họp, xem xét đơn điều trần của Trịnh Văn Vinh, hồ sơ khám sức khỏe được cung cấp bởi nơi mà Vinh báo cáo đã đến chữa lưng (nếu có). Hội đồng sẽ đưa ra án phạt cụ thể sau khi đánh giá bản chất việc sử dụng chất cấm và mức độ vi phạm của Vinh nặng hay nhẹ.
Vinh có quyền khiếu nại và nếu tiếp tục không thỏa mãn với đơn giải quyết khiếu nại từ IWF, anh được khiếu nại tiếp lên Tòa án thể thao quốc tế CAS. Dù còn cơ hội chứng minh mình trong sạch thông qua giải trình nhưng với chất testosterone có trong mẫu A, Vinh có thể bị cấm thi đấu từ 8 - 10 năm và bị phạt 5.000 USD. Ngoài ra, theo thông tư quy định về phòng chống doping trong hoạt động thể thao cũng ban hành năm 2015, nếu có kết luận về việc Vinh cố ý sử dụng chất cấm, anh còn bị kỷ luật trong nước.
Phòng chống doping tại Việt Nam không dễ dàng
Nguyên Phó giám đốc Trung tâm doping và y học thể thao (viết tắt trung tâm) Nguyễn Xuân Ninh đã từng chia sẻ với Báo Thanh Niên rằng trong vài năm trở lại đây, ở VN hầu như năm nào cũng có VĐV vi phạm về phòng chống doping. Những VĐV sử dụng chất thuộc nhóm gây nghiện như bột đá, heroin làm tăng hưng phấn thần kinh, hoặc tiêm hormone giới tính nam nhằm làm cho cơ bắp to khỏe hơn... thường sau 6 tháng đến 1 năm sử dụng cơ thể có những biến chứng khó lường. Thậm chí đã có VĐV nữ cũng tiêm loại hormone này và hậu quả là bị nam hóa: giọng ồm, mặt xuất hiện nhiều mụn trứng cá, nhiều lông, mọc râu, mất kinh nguyệt; hoặc trở thành những con nghiện phụ thuộc vào thuốc và mất hết sức khỏe sau vài năm.
Đa phần các VĐV chọn những loại doping khác nhau tùy thuộc tính chất của mỗi môn thể thao. Những môn cần sức bền, sức mạnh như đua xe đạp, đua thuyền, bóng đá, thể hình, cử tạ... thì VĐV nguy cơ sử dụng cao. Thậm chí một số môn ít sức mạnh như bắn súng, bắn cung... cũng đã phát hiện VĐV dùng doping nhằm ổn định tinh thần, ổn định nhịp tim khi thi đấu.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch mẫu và giáo dục truyền thông (trung tâm), cho biết: “Cứ vào ngày 1/1 hằng năm, chúng tôi đều cập nhật danh mục chất cấm do WADA thông báo và đăng tải công khai trên trang web, Facebook của trung tâm vada.org.vn; đồng thời gửi thông báo đến các liên đoàn thể thao, Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT để các cơ quan này kết hợp cùng trung tâm tiến hành công việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức HLV, VĐV.
Tuy nhiên, với những trường hợp VĐV bị dương tính với các chất bị cấm trong thể thao có thể là: cố tình sử dụng và chủ quan vì nghĩ rằng mình sẽ không bị kiểm tra, hoặc vô ý sử dụng, chẳng hạn như dùng thuốc cảm mà không quan tâm dược chất của thuốc đó có chứa chất cấm. Trung tâm luôn khuyến cáo các VĐV (kể cả khi không thi đấu), khi sử dụng bất kỳ thuốc gì đều phải kiểm tra dược chất theo danh sách chất cấm của WADA và tham vấn bác sĩ đội hay liên hệ với trung tâm. Vì tất cả VĐV có thể bị kiểm tra bất kỳ mà không được thông báo trước. Theo bộ luật Phòng chống doping thế giới 2015, tất cả VĐV khi bị phát hiện dương tính với chất cấm đều phải tự chịu trách nhiệm với kết quả xét nghiệm của mình”.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Khi VĐV cần sử dụng các thuốc có chứa chất cấm trong trường hợp điều trị bệnh thì cần nộp đơn miễn trừ do điều trị cho chúng tôi. Khi lấy mẫu xét nghiệm, VĐV bắt buộc phải đưa đơn đã được trung tâm phê duyệt. Sau đó nếu có bị xét nghiệm dương tính với chất cấm thì VĐV đó sẽ có yếu tố để điều trần và được xem xét không bị phạt”./.
“Nam vương” boxing Việt Nam - Trương Đình Hoàng cho hay: “Tôi vẫn thường xuyên cùng các đồng đội tự mày mò tìm hiểu về doping để phòng tránh là chính. Vì vậy, theo tôi nên tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng về doping lẫn dinh dưỡng ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Giúp VĐV có kiến thức về ăn uống để đảm bảo thể lực mà lại không dính doping”.
HLV đội tuyển trẻ xe đạp Mai Công Hiếu cho rằng VĐV cần có bác sĩ tư vấn khi sử dụng thuốc vì HLV tập trung lo chuyên môn nên nhiều khi không thể nắm bắt hết về danh mục chất cấm.
HLV tuyển TDDC Trương Minh Sang cho biết nguyên nhân khiến VĐV Việt Nam dính doping đa phần là do kiến thức hạn chế: “Tổng cục TDTT có mời chuyên gia về phổ biến kiến thức doping cho HLV, VĐV nhưng tôi nghĩ một số HLV, VĐV không tập trung để nắm bắt, chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng chống doping mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.