Danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang: Cuộc đời nhiều truân chuyên

Phạm Huỳnh Tam Lang ra đi để lại sự tiếc nuối vô hạn cho NHM bởi nhân cách sống nhưng trải qua cuộc đời nhiều truân chuyên.

“Mũi tên vàng” trong mắt bạn bè châu Á

Từ Tiền Giang bước lên Sài Gòn học trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường Lê Hồng Phong), Phạm Huỳnh Tam Lang đã  sớm nổi bật bởi tài chơi bóng thiên phú. Đá hậu vệ nhưng chàng trai sinh năm 1942 nổi tiếng lối chơi phong nhã, fair-play khiến đối thủ ngả mũ nể phục. Phục cái tài của Tam Long ông Nguyễn Văn Tư - vốn là người có tên tuổi trong làng bóng đá Sài Gòn - đã mời ông về khoác áo đội AJS nổi tiếng thời bấy giờ.

Chỉ sau thời gian ngắn, tên tuổi trung vệ Tam Lang đã nổi như cồn. Mới 18 tuổi, trung vệ đội AJS được gọi vào đội tuyển miền Nam. Bạn bè trong khu vực sớm ấn tượng chàng hậu vệ dũng mạnh cầm bóng đâm thẳng vào hàng thủ đối phương. 


Trung vệ tài hoa Tam Lang đeo băng đội trưởng tuyển miền Nam vô địch Mederka Cup 1966 với lối chơi phong nhã, cống hiến trên sân cỏ. Ảnh: Tư liệu

Lối chơi của Tam Lang khá giống libero Franz Beckenbauer của tuyển Đức sau này. Đó là cầu thủ có khả năng tạo đột biến từ hàng thủ với kỹ năng xử lý bóng và khả năng bao quát trận đấu. Bạn bè quốc tế gọi Tam Lang là "mũi tên vàng" khi chứng kiến ông cùng đồng đội vô địch Merdeka Cup vào năm 1966. Một năm sau ông cùng thủ môn Đỗ Thới Vinh được triệu tập tuyển "Ngôi sao châu Á" một kỷ niệm mà mãi sau này ông vẫn tự hào kể lại.

6 năm khoác áo đội tuyển miền Nam, ông cùng đồng đội tạo ra kỳ tích. Hình ảnh ông đeo băng đội trưởng giơ cao cup vô địch Merdeka Cup tại Malaysia đến giờ là khoảnh khắc ngọt ngào nhất. Mãi đến năm 2008, đội U22 Việt Nam mới tái lập kỳ tích tại giải đấu Merdeka Cup. Nhưng rõ ràng về màn thể hiện lẫn bối cảnh khác biệt chức vô địch thời ông Tam Lang còn thi đấu.

Cách đây 50 năm, Merdeka Cup là một giải đấu tiếng tăm quy tụ những đội mạnh nhất của châu Á. Việc được mời tham dự đã là một vinh dự và còn đoạt chức vô địch thì , Tam Lang và các đồng đội được chào đón như những người hùng. Mỗi người được đứng trên một xe mui trần diễu hành về tòa đô chính, nơi có hàng nghìn người hâm mộ chờ đón. Mỗi cầu thủ sau đó được tặng một chiếc lắc năm chỉ vàng để vinh danh thành công ở Merdeka Cup trở về.

Ngày hòa bình thống nhất, ông khoác áo Cảng Sài Gòn rồi trở thành biểu tượng của đội bóng Cảng. Bốn chức vô địch quốc gia, 2 cup quốc gia trong tư cách huấn luyện viên cho thấy cựu danh thủ Tam Lang đá bóng và huấn luyện giỏi thế nào. Một nhân cách lớn trên sân lẫn cuộc sống mà khi nhắc đến bất cứ đồng đội hay cầu thủ đội bạn đều ngưỡng mộ trung vệ tài hoa một thời.

Đến bi kịch người hùng ngoài cuộc sống

Trải qua sự nghiệp thành công rực rỡ, cuộc đời cựu danh thủ Tam Lang lại trải qua nhiều trắc trở ngoài đời. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn tiếc nuối khi không tìm thấy xác cha mình, người chiến sĩ cộng sản bị địch thủ tiêu lúc Tam Lang mới ba tuổi. Dù tìm kiếm cả cuộc đời, ông vẫn không tìm được thi thể cha mình và đó là nỗi buồn canh cánh cả cuộc đời.

Sau chiến tích Merdeka Cup 1966, ông tổ chức đám cưới nghệ sĩ "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết. Cuộc hôn nhân cặp "kim đồng ngọc nữ" từng khiến Sài thành trước những năm 70 của thế kỷ trước rúng động thời gian dài. Nhưng sau 7 năm hôn nhân, cả hai nói lời chia tay vì lý do khách quan. Đến lúc người chồng cũ ra đi, nghệ sĩ Bạch Tuyết vẫn qua lại gia đình danh thủ Tam Lang một cách thân thiết.

Về già cựu danh thủ Tam Lang bị bạo bệnh đeo đuổi và ra đi ở tuổi 72

Cuộc sống người vợ hai trong 30 năm trải qua nhiều uẩn khúc khiến danh thủ Tam Lang cũng không tránh khỏi nhiều trầm uất trong lòng. Sau này, danh thủ họ Phạm từng buồn bã thốt lên: "Số phận của tôi hẩm hiu lắm chứ không đầy rẫy vinh quang như nhiều người lầm tưởng". Một câu nói chua xót thể hiện nỗi đau lớn trong lòng cầu thủ tài hoa nhưng bạc mệnh như ông.

Có lẽ nỗi buồn lớn nhất của ông là Cảng Sài Gòn rớt hạng vào năm 2003 rồi bị sát nhập rồi xóa sổ cái tên từng là niềm tự hào bóng đá Sài Gòn. Trong thời gian tham gia công tác đào tạo trẻ đội TP Hồ Chí Minh, Trung tâm huấn luyện Thành Long, ông đã phải vượt qua những cơn bạo bệnh (đau tim, thấp khớp) với chi phí chữa trị tốn kém. Nhưng cơn đột quỵ vào sáng 2/6 đã khiến cựu danh thủ Tam Lang ra đi, chấm dứt cuộc đời lắm vinh quang và truân chuyên của mình.

Dù thế nào đi chăng nữa, phẩm chất và nhân cách sống của danh thủ Tam Lang là tấm gương cho thế hệ sau này noi theo. Sự tiếc nuối càng lớn lối chơi mã thượng của Tam Lang, khi V-League vẫn tràn ngập pha đá bóng như đấu võ trong thời điểm này./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên