HLV Miura và 8 người tiền nhiệm “tiền tỉ” của bóng đá Việt Nam
VOV.VN - Từ năm 1995 tới nay, bóng đá Việt Nam từng gắn bó với 9 HLV ngoại. Trường hợp gần nhất, đến và đi sau gần 2 năm cầm quân là HLV Miura người Nhật Bản.
1. Edson Tavares (1995, 2004 Brazil)
Năm 1995 là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử bóng đá Việt Nam kể từ ngày hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, bởi đây là năm đầu tiên ĐTVN được đặt dưới quyền dẫn dắt của một HLV nước ngoài là ông Edson Tavares. Tại Cúp Độc lập năm 1995, ông dẫn dắt cả đội Việt Nam 1 và Việt Nam 2 giành quyền vào bán kết. Tuy nhiên, sau 42 ngày cầm quân, HLV người Brazil đã phải ra đi.
HLV Edson Tavares có hai nhiệm kỳ làm việc với bóng đá Việt Nam. |
Năm 2004, HLV Tavares trở lại. Tuy nhiên, HLV người Brazil đã bộc lộ đầy đủ những mặt hạn chế của mình khi dẫn dắt ĐTVN và VFF phải chấm dứt hợp đồng ngay giữa Tiger Cup 2004.
2. Karl Heinz Weigang (1995-1997, Đức)
Ông thầy người Đức được VFF mời về trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 1995. Trong thời gian dẫn dắt ĐTVN, HLV Weigang tập trung cải thiện vấn đề thể lực cho tuyển Việt Nam, thông qua những chuyến tập huấn châu Âu.
Thành tích nổi bật của HLV người Đức là cùng các học trò giành HCB SEA Games 1995, HCĐ Tiger Cup 1996. Tuy nhiên sau đó, do mâu thuẫn với một vài cầu thủ vì những biểu hiện tiêu cực trong đội, chiến lược gia người Đức đã chia tay bóng đá Việt Nam.
HLV Weigang chia tay ĐTVN vì nghi ngại tiêu cực sân cỏ. |
3. Colin Murphy (1997, Anh)
HLV Murphy có khoảng thời gian làm việc 5 tháng, với thành tích HCĐ SEA Games 1997. Sau giải này ông Murphy về nước tạm nghỉ nhưng sau đó đã thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng.
4. Alfred Riedl (1998-2000, 2003, 2005-2007, Áo)
HLV Alfred Riedl chính là người có khoảng thời gian cầm quân tại Việt Nam lâu nhất. Ông bắt đầu làm việc từ năm 1998 và sau đó 3 lần ra đi rồi được VFF mời trở lại. Sau năm 2007 HLV Alfred Riedl chưa có thêm lần nào trở lại Việt Nam.
HLV Riedl là HLV ngoại gắn bó lâu nhất với bóng đá Việt Nam. |
Trong các đời HLV ngoại dẫn dắt ĐTVN và U23, HLV Anfred Riedl được mệnh danh là “Vua về nhì”. Tấm HCB đáng tiếc nhất với HLV người Áo và cả với bóng đá Việt Nam là Tiger Cup 1998. HLV Riedl cũng là ông thầy ngoại gắn bó với đội tuyển Việt Nam lâu nhất, với những thành tích đáng chú ý như: HCB SEA Games 1999, HCB SEA Games 2005 và HCĐ AFF Cup 2007. Trước khi chia tay bóng đá Việt Nam, HLV người Áo vẫn tạo nên dấu ấn lớn tại VCK Asian Cup 2007, khi đưa tuyển Việt Nam đến tứ kết.
5. Dido (2001, Brazil)
Đây là bản hợp đồng thất bại của VFF. Dưới thời dẫn dắt của HLV Dido, Việt Nam bị loại ngay vòng bảng SEA Games 2001. HLV Dido bị VFF sa thải sau 1 năm làm việc.
6. Letard: (2002, Pháp)
Ngày 22/3/2002, VFF ký hợp đồng với HLV Letard. (Ảnh: Tiền Phong). |
Sau khi sa thải HLV Dido vì thành tích không tốt của ĐT U23 Việt Nam tại SEA Games 2001, VFF ký hợp đồng mới với HLV người Pháp Letard với thời hạn 2 năm. Tuy nhiên, sau 5 tháng dẫn dắt tuyển Việt Nam, ông Letard cho thấy không phù hợp với bóng đá Việt nam. Ngày 21/8/2002, VFF đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với huấn luyện viên này trước thời hạn 13 tháng. Sau đó, VFF đề nghị sẽ trả thêm cho huấn luyện viên Letard 3 tháng lương. Tuy nhiên, Letard đã từ chối.
Ngày 4/9/2002, ông trở về nước Pháp và tuyên bố sẽ kiện VFF vì quyết định sa thải là vô căn cứ và vi phạm các điều khoản chi tiết trong hợp đồng. Sau đó, Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS) đã quyết định VFF phải bồi thường cho ông Letard số tiền lên đến lên đến hơn 200.000 USD (60.000 USD tiền phạt và 147.000 USD tiền lương) tương đương với hơn 4 tỉ đồng.
7. Henrique Calisto (2002, 2008-2011, Bồ Đào Nha)
HLV Calisto và chức vô địch lịch sử AFF Cup 2008 cùng ĐTVN. (Ảnh: Bongdaplus). |
Sau thành công với Gạch Đồng Tâm Long An (giờ là CLB Long An), ông Calisto được mời dẫn dắt đội Việt Nam từ tháng 8 để chuẩn bị cho Tiger Cup 2002. Ông có công khai sinh ra một thế hệ cầu thủ tài năng như Tài Em, Trường Giang, Xuân Thành, Minh Phương…
Trong các đời HLV ngoại dẫn dắt tuyển Việt Nam, HLV Henrique Calisto mang đến thành công rực rỡ với chức vô địch AFF Cup 2008 duy nhất trong lịch sử. Ngoài ra còn có các thành tích đứng hạng ba ở Tiger Cup 2002, HCB SEA Games 2009, hạng Tư AFF Cup 2010.
Dưới thời Calisto, đội tuyển Việt Nam tận dụng triệt để lối chơi nhỏ, nhanh, lẫn tinh thần máu lửa. Sau khi chia tay ĐTVN năm 2011, đến giờ Calisto vẫn để lại nhiều hình ảnh ấn tượng nhất về một HLV “ngoại” với người hâm mộ Việt Nam.
HLV Falko Goetz bị sa thải ngay khi đang nghỉ Giáng sinh ở quê nhà. |
8. Falko Goetz (2011, Đức)
Ông Falko Goetz được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đánh giá là HLV giỏi nhất từng dẫn dắt đội Việt Nam, nhưng ở SEA Games 2011, đội đã trắng tay với lối đá bạc nhược. Sau đó VFF tuyên bố sa thải khi HLV Falko Goetz đang đón Giáng sinh ở quê nhà.
9. HLV Miura (5/2004 – 1/2016, Nhật Bản)
Nhìn lại chặng đường hơn 20 tháng “tại vị” của ông Miura
Lần đầu tiên VFF đã tin tưởng một HLV người Nhật Bản. Việc ông Miura đến Việt Nam đã mang tới nhiều niềm hy vọng. Dù bóng đá Việt Nam đã đạt những thành tích ấn tượng dưới thời HLV Miura như vào tứ kết ASIAD 2014, HCĐ AFF Cup 2014, HCĐ SEA Games 2016… nhưng sau thất bại tại vòng chung kết U23 châu Á 2016, HLV Miura chính thức bị VFF sa thải./.