“Một lần nữa lại là người Ý”
Đó là một dòng chữ rất lớn được in trên các tờ báo ở Đức số ra sáng nay, nó không phải là một câu để ca ngợi những cầu thủ Italia mà là tiếc thương cho số phận của Mannschaft.
Những tờ báo Đức số ra ngày 29/6 đều viết lên những cái tít đau đớn, chẳng có chung kết nào cho chúng ta. |
2 – 1 và chẳng có đêm chung kết nào nữa, thật là cay đắng, những bài báo này viế tiếp. Joachim Loew và các học trò tiếp tục đi vào vết xe đổ của chính họ, của những bậc tiền bối. Họ không thể viết lại lịch sử, người Ý thì vẫn tự hào mà tuyên bố rằng: “Đức ư? Chúng tôi chưa từng thua họ ở những giải đấu lớn”.
Quả thật, người Đức đã gục ngã trước Ý rất nhiều lần. Đức thua Ý 3-4 tại bán kết World Cup 1970. 12 năm sau Đức lại bị Ý hạ 3-1 trong trận chung kết World Cup 1982. Thậm chí vào năm 2006 khi được chơi trên sân nhà, người Đức cũng bị khuất phục trước những người Ý sau 120 phút thi đấu tại trận bán kết World Cup với tỷ số 0-2. Và cả bây giờ nữa, Euro 2012, người Đức lại để thua một cách toàn diện với tỷ số 1-2. Như vậy, cả 4 lần gặp nhau ở bán kết các giải lớn, người Đức luôn nhận thất bại.
6 năm trước, trong cái đêm đáng quên ở Westfalen, Dortmund, Joachim Loew mới là phó tướng. Các học trò của ông cũng thắng như chẻ tre ở những trận đấu trước đó, lững lững tiến vào bán kết để rồi thua Italia. Có một cái tên mà người Đức còn nhớ mãi, Pirlo. Chính cầu thủ này đã có pha làm xiếc với trái bóng trước khi chuyền cho Grosso phá tan mành lưới Đức trong thời gian hiệp phụ. Cơn đau khổ của những người yêu Mannschaft còn tăng lên gấp bội khi Del Piero một lần nữa đưa bóng vào lưới để ấn định tỷ số.
Đức vẫn vậy, vẫn còn quá nhiều những cái tên ở trận đấu bán kết 6 năm sau như Lahm, Klose, Schweinsteiger, Podolski và cả Loew nữa từng chịu nỗi cay đắng. Tưởng chừng nỗi cay đắng đó sẽ được biến thành động lực giúp họ có thể viết lại lịch sử. Nhưng không, họ lại thất bại, thậm chí nặng nề hơn trước.
Người Đức thất bại, không phải họ yếu hơn mà chính họ đã tự đánh mất đi bản sắc của chính mình. Họ đã thay đổi kể từ sau thất bại ở Euro 2000. Một lối chơi phóng khoáng hơn, trẻ trung hơn và cống hiến nhiều hơn được Jurgen Klinsmann thổi vào và Joachim Loew tiếp tục kế thừa. 12 năm thay đổi, ĐT Đức quả thật đã kéo thêm được nhiều fan hâm mộ nhưng cái giá phải trả là quá lớn. Không còn là một thứ bóng đá lì lợm đến rợn người, không còn tinh thần thép vốn có mà thay vào đó là một cái đẹp đến mong manh – dễ vỡ.
Đối với Klose có thể đây sẽ là lần cuối cùng (Ảnh: Getty Images). |
Đội hình trẻ trung bây giờ của ĐT Đức có thể chơi bốc lửa trước những đối thủ yếu hơn nhưng trước các đối ngang cơ, sự thiếu hụt về mặt kinh nghiệm của họ đã lộ ra rõ nét. Khi họ bị dồn vào thế chân tường, họ vẫn chống trả, tấn công toàn lực nhưng điều ấy vẫn chưa khỏa lấp những lỗ hổng về chuyên môn cũng như kinh nghiệm trận mạc. Những đường chuyền sai địa chỉ liên tục của Schweinsteiger hay Oezil đã được khỏa lấp đi bởi những chiến thắng tưng bừng nhưng nó không còn được quên đi nữa sau trận thua Ý.
Đã bao nhiêu lần như thế này, một thế hệ tài năng của Lahm, Schweinsteiger hay Klose, Podolski được sản sinh ra sau thất bại đáng hổ thẹn ở Euro 2000, làm người ta hy vọng rồi thất vọng? Cơ hội đối với họ không còn nhiều nữa, thay vì nụ cười chiến thắng lại luôn là những giọt nước mắt thất bại. Hình ảnh những CĐV áo trắng suy sụp ngay tại cổng Brandenburg nổi tiếng tiếp tục lại hiện về, những ly bia vẫn được rót nhưng nó đắng ngắt.
Giấc mơ vẫn giang dở, Klose đã nói sau trận bán kết, đây có lẽ sẽ là giải đấu lớn cuối cùng của anh. Nhưng hy vọng với những gương mặt trẻ trung hơn như Oezil, Reus, Gotez hay Mueller... sẽ rút ra được những kinh nghiệm từ thất bại để biến giấc mơ của những đàn anh được tròn đầy. Hẹn ở Brazil 2014 và xa hơn thế nữa./.