Nhiều triển vọng ở cầu mây trẻ Việt Nam
Với tấm HCB tại World Cup cầu mây thế giới I, các cô gái trẻ của tuyển nữ Việt Nam đã nhen nhóm trong lòng người hâm mộ về sự kế tục thế hệ đàn chị
Thế giới đang chứng kiến một bước chuyển mình của môn cầu mây với World Cup đầu tiên vừa kết thúc ngày 24/7 tại Kuala Lumpur, Malaysia. 36 đội tuyển 25 nước đã góp mặt tham dự giải vô địch thế giới cầu mây lần thứ nhất tại nhà thi đấu Titiwangsa. Tuyển nữ Việt Nam đã giành Huy chương Bạc (HCB).
Lần đầu tiên chính thức tổ chức giải World Cup và tiến tới hoàn thiện hệ thống giải Super Series, Liên đoàn Cầu mây quốc tế ISTAF đang trong chương trình hành động nhằm đưa cầu mây vượt ra khỏi khái niệm “môn thể thao làng” để trở thành môn thể thao quốc tế với độ phủ rộng hơn trên toàn cầu. Riêng giải lần này được truyền hình trực tiếp tới 66 nước. Diễn biến các trận đấu hay cũng được tung lên mạng Internet để phục vụ hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới. Tổng thư ký ISTAF Abdul Halim Kader cho biết: “Để tạo nên một ấn tượng mới mẻ và tươi trẻ cho khán giả, màu sơn của sàn đấu được chuyển từ màu đỏ sang màu xanh lá cây. ISTAF cũng giới thiệu trang phục thi đấu mới cho các cầu thủ để môn thể thao này tạo được sự đồng nhất riêng biệt”.
Giải lần này chỉ tổ chức nội dung đội tuyển với 25 đội nam và 11 đội nữ tham dự. Ở giải nam, đội tuyển Việt Nam đã vượt qua vòng đấu bảng để góp mặt vào vòng 2. Tuy nhiên, ngày 22/7, họ đã phải nói lời tạm biệt khi gặp phải đối thủ mạnh hơn. Niềm hy vọng của cầu mây Việt Nam là đội tuyển nữ và họ đã thi đấu rất thành công. Sau khi thắng 2 đối thủ ở vòng bảng là Philippines và Ấn Độ, ngày 22/7, đội bước vào vòng tứ kết gặp Myanmar. Với ưu thế vượt trội, Việt Nam giành chiến thắng dễ dàng 3-0. Kịch bản và tỷ số này cũng tái diễn ở 3 trận đấu tứ kết còn lại khi Malaysia thắng Campuchia, Thái Lan thắng Hàn Quốc và Trung Quốc thắng Ấn Độ.
Ở trận bán kết diễn ra trưa 24/7, đội tuyển nữ Việt Nam đã thi đấu ngoan cường và chấm dứt giấc mơ lọt vào chung kết của chủ nhà Malaysia. Dàn cầu thủ trẻ của Việt Nam thêm một lần nữa chứng tỏ sự trưởng thành của mình khi không cho đối thủ cơ hội và kết thúc trận bán kết với tỷ số 3-1.
Hiệp 1, Việt Nam thắng nhanh 15-5. Sang đến hiệp 2, bộ ba Noor Fairuz Azizan - Rahilah Harun - Nor Farhana Ismail của Malaysia gỡ hoà với tỷ số 15-12. Tuy nhiên đó là tất cả những gì mà các cô gái Malaysia làm được. Trong 2 hiệp đấu còn lại, Lại Thị Huỳnh Trang - Đinh Thị Thúy Hạnh - Nguyễn Thị Dung đã thắng 15-4, 15-11, đưa Việt Nam vào chung kết và hoàn thành mục tiêu mà BHL đề ra trước giải. Tuy nhiên, trong trận chung kết diễn ra chiều cùng ngày, tuyển nữ Việt Nam đã để thua Thái Lan 0-3. Xứng danh ngôi vị số 1 thế giới, cầu mây Thái Lan đã thể hiện sức mạnh vượt trội khi giành chiến thắng 3-0 trong trận chung kết nam trước Malaysia, qua đó hoàn tất chiến thắng trọn vẹn ở cả 2 nội dung đồng đội nam và nữ.
Dù thất bại ở chung kết, nhưng thành công của đội tuyển nữ Việt Nam được đông đảo giới chuyên môn và các đoàn quốc tế đánh giá rất cao. Sau khi giành 2 HCV tại ASIAD 15 (2006), cầu mây nữ Việt Nam bị rơi vào khủng hoảng chuyển giao thế hệ bởi các cầu thủ kỳ cựu lần lượt chia tay đội tuyển, còn thế hệ trẻ thay thế chưa thể đảm nhận tốt ngay nhiệm vụ quốc tế. Nhưng với việc giành HCB tại ASIAD 2010 và nay là Á quân World Cup, dàn cầu thủ trẻ của Việt Nam đã khẳng định được mình. Đây cũng là một kết quả tốt sau khi đội vừa kết thúc chuyến tập huấn kéo dài 1 tháng tại Côn Minh, Trung Quốc.
Việc ISTAF đẩy mạnh phát triển cầu mây cùng hệ thống thi đấu thế giới là một tin vui đối với Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để TTVN phát triển rộng và mạnh hơn phong trào cầu mây trong tương lai khi các VĐV sẽ có một sân chơi rộng để phát huy hết khả năng của mình./.