Những cơn đau đầu của Van Gaal
Còn quá sớm để đặt một dấu hỏi to vào những gì Louis Van Gaal đang làm tại MU. Công việc mà ông cần thực hiện nhằm tái thiết Red Devils là vô cùng lớn.
Thậm chí, có thể khẳng định ngay rằng, Van Gaal phải có nhiều hơn một Angel di Maria để giải quyết mọi chuyện bởi một tiền vệ cánh khó lấp được những lỗ hổng ở hàng thủ hay sự yếu kém nơi khu vực giữa sân, nơi Man United cần có thêm một tiền vệ phòng ngự và một tiền vệ tấn công. Vậy mà họ đã chi 59,7 triệu bảng chỉ cho bản hợp đồng của Di Maria và 76,5 triệu bảng cho ba cầu thủ khác, trong đó hai người hiện đang nằm trong phòng điều trị.
Và như thế, trong khi chờ xem hiệu ứng mà Di Maria mang lại cho một Man United yếu kém đồng đều ở hàng thủ và hàng tiền vệ, những vấn đề mà Van Gaal phải đối mặt xem như vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi họ ra sân ở trận gặp Burnley vào thứ bảy này.
Mua ít, bán khó
Về lý thuyết thì nếu đội hình sa sút phong độ và nhiều vị trí không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trước tiên của Van Gaal là phải loại bớt số cầu thủ đó. Thay vào đấy, do World Cup 2014 kết thúc muộn, ông chỉ xuất hiện ở Carrington vào giữa tháng 7 và mất thêm 2 tuần tập trung, thi đấu giao hữu, ông mới biết được cần giữ ai, cần loại ai.
Vì thế, Man United chẳng trách được ai ngoài chính họ khi họ tự cho phép mình kết thúc tháng 8 trong một tình thế đầy lo âu. Gần hết mùa hè và cho đến lúc Di Maria xuất hiện trong tuần cuối cùng của tháng 8, Van Gaal chỉ đưa về được 3 cầu thủ mới là Ander Herrera, Luke Shaw và Marcos Rojo, trong lúc vẫn còn một đống hàng thải chưa thanh lý được gồm Anderson, Fellaini, Shinji Kagawa, Danny Welbeck và Javier Hernandez.
Lực lượng mất cân bằng
Đây chính là thực tế đã được Van Gaal thừa nhận và khiến ông lo lắng nhất. Ở hàng thủ, sự ra đi của Vidic, Ferdinand, Fabio Da Silva, Alex Buttner và Evra khiến khu vực này thiếu người trầm trọng.
Trớ trêu ở chỗ, Man United lại dư thừa người ở hàng tiền vệ và tiền đạo. Đáng nói nhất là hàng tiền vệ khi có quá nhiều cầu thủ không đáp ứng được yêu cầu và xứng đáng đứng trong đội hình chính, từ Fellaini cho đến Tom Cleverley, Ashley Young, Kagawa, Nani hay Antonio Valencia.
Và rắc rối cho Van Gaal là dù rất muốn làm mới khu vực này, việc chỉ đẩy đi được Nani trong số này khiến ông cũng chỉ có thể đưa về Herrera và gần đây là Di Maria.
Trong khi đó trên hàng công, cả Hernandez và Welbeck nhận được thông báo có thể rời Old Trafford vì họ không phù hợp với lối chơi mà HLV người Hà Lan xây dựng. Câu hỏi đặt ra là nếu Van Gaal không cần đến họ, liệu Robin Van Persie và Wayne Rooney là đủ cho Man United trong một mùa giải kéo dài, chưa kể Van Persie liên tục gặp chấn thương?
3-5-2 dở dang
Đúng là nghịch lý khi hệ thống thi đấu 3-5-2 từng giúp đội tuyển Hà Lan giành vị trí thứ 3 tại World Cup 2014 và đưa Man United vô địch giải đấu giao hữu International Champions Cup lại thất bại ở Premier League. Thậm chí trước hai đội bóng không được đánh giá cao như Swansea và Sunderland.
Để giải thích cho điều này thì câu trả lời không gì khác là Man United hoàn toàn khác Hà Lan. Vì thế, việc Van Gaal gò ép đội bóng của ông theo mô hình cũ quả thực rất mạo hiểm bởi ở đội tuyển Hà Lan, ông có thể lựa chọn những cầu thủ ông cần tại các CLB, trong khi với Man United, tài sản của ông là đống đổ nát mà David Moyes để lại.
Ở đây, sai lầm của Van Gaal là trong thời điểm đội hình chưa hoàn thiện, ông vẫn để Man United chuyển từ 4-2-3-1 sang 3-5-2, một sơ đồ mà Alex Ferguson từng thất bại và các cầu thủ của họ đều không quen đá với hàng thủ 3 người.
Sự ổn định
Van Gaal từng thừa nhận ông sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể vực dậy được Man United bởi điểm xuất phát của ông là từ con số 0. Mọi chuyện đáng ra sẽ đơn giản hơn nếu như Moyes xây dựng tốt lực lượng từ mùa giải trước và vì thế, Van Gaal giờ chỉ mới đặt những viên gạch đầu tiên cho đội hình của ông, lối chơi của ông.
Sự ổn định ở Man United xem như không có vì lực lượng bị xáo trộn quá lớn và các cầu thủ cũng cần có thời gian để thích nghi hoàn toàn.
Các đối thủ mạnh hơn
Một bất lợi khác cho Van Gaal là trong khi ông vẫn phải mua bán đến ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng, Chelsea hay Man City đã khóa sổ từ lâu. Man City đưa về Eliaquim Mangala, Bacary Sagna, Fernando, Willy Caballero và Frank Lampard. Chelsea bổ sung Cesc Fabregas, Diego Costa và Luis Filip… Liverpool mất Luis Suarez nhưng đã đưa về 9 cầu thủ, trong đó có Mario Balotelli, còn Arsenal có Alexis Sanchez, Calum Chamber, Mathieu Debuchy...
Cán cân lực lượng rõ ràng đã có sự khác biệt và thật khó để Man United có thể cạnh tranh được chỉ sau một mùa giải họ rơi xuống vị trí thứ 7 tại Premier League. Càng không khi 4 cầu thủ mới không đủ tạo nên một đội hình mạnh cho Red Devils, chưa nói gì đến chiều sâu về lực lượng.
Premier League: Bom tấn đã nổ Bằng việc bỏ ra 57,9 triệu bảng cho vụ chuyển nhượng Angel di Maria từ Real Madrid, Man United đã phá kỷ lục của bóng đá Anh. Khoản phí này đã vượt qua bản hợp đồng 50 triệu bảng mà Chelsea đã trả cho Liverpool năm 2011 để sở hữu tiền đạo Fernando Torres. Lần gần đây nhất Man United lập kỷ lục trên thị trường chuyển nhượng là khi họ trả cho Leeds tới 29,1 triệu bảng cho trung vệ Rio Ferdinand năm 2002. |