Phạm Thị Hồng Lệ - Trở thành kỷ lục gia điền kinh vì không đủ tiền học võ
VOV.VN - Phạm Hồng Lệ sinh ra trong một gia đình nông dân ở đất võ Bình Định. Lệ cũng đam mê và đi tập võ thuật, nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên cô gái sinh năm 1998 đã gác lại đam mê của mình để kết duyên với điền kinh.
“Bông hồng thép” của Thể thao Việt Nam
Nhắc đến Phạm Thị Hồng Lệ, người hâm mộ thể thao Việt Nam nhớ ngay đến hình ảnh cô gái nhỏ nhắn nỗ lực hết sức mình ở đường chạy 42km tại SEA Games 30. Mặc dù không giành được tấm HCV ở nội dung đó, nhưng tấm HCĐ mà Lệ giành được thậm chí còn quý hơn vàng. Bởi đây là thành quả mà Lệ khổ luyện trong quãng thời gian dài, cô đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức và đến khi về đích, cô gái quê ở Bình Định đã phải thở oxy và nhờ hỗ trợ của các bác sĩ.
Hơn 2 năm sau khi kiệt sức ở vạch đích đó, khi nhắc lại kỷ niệm, Lệ vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động: “Đến thời điểm này khi nhớ lại ký ức đó tôi vẫn cảm thấy hồi hộp và xúc động. Kỳ SEA Games 2019 đã cho tôi những bài học để rút ra những kinh nghiệm, biết mình yếu ở đâu để khắc phục.
Đối với một vận động viên khi thi đấu huy chương chỉ là một phần và tôi cũng như những vận động viên khác luôn chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự bản thân. Do đó việc kiệt sức ở vạch đích là điều thường xuyên xảy ra nhất là khi gặp những đối thủ mạnh”.
Sau những nỗ lực tuyệt vời ở SEA Games 2019, tên tuổi của Hồng Lệ được đông đảo người hâm mộ biết đến hơn. Vận động viên đến từ đất võ Bình Định cũng ý thức được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong thời gian tới. Do đó, cô đã tập luyện rất chăm chỉ để cải thiện thành tích của mình.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều tới kế hoạch tập luyện và thi đấu, nhưng Lệ cũng như các đồng đội của mình đã vượt qua tất cả. Đặc biệt, ở giải vô địch điền kinh Quốc gia 2021, Lệ đã phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000m với thành tích 34 phút 01 giây 59.
Không có tiền học võ nên chuyển sang điền kinh
Phạm Thị Hồng Lệ là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em quê ở Bình Định. Gia đình của Hồng Lệ không ai theo nghiệp thể thao và cô gái sinh năm 1998 là ngoại lệ. Mối lương duyên của Hồng Lệ với bộ môn điền kinh đến từ chính hoàn cảnh gia đình của mình.
Hồng Lệ chia sẻ: “Khi học cấp 2, tôi đã xin ba mẹ đi học võ. Tôi cũng thích võ, nhưng do gia đình không có điều kiện, tôi chỉ học được 1 tháng rồi phải nghỉ vì không có tiền để đóng học phí. Lúc đó học phí mỗi tháng là 60.000 đồng/tháng, nhưng gia đình khó khăn nên tôi đã chuyển sang bộ môn điền kinh”.
So với môn võ thì điền kinh không tốn tiền của gia đình và bản thân Lệ cũng có năng khiếu ở môn này. Khi còn là học sinh cấp 2, Lệ đã đoạt giải ở trường, đi thi huyện và thi tỉnh. Bước ngoặt của vận động viên sinh năm 1998 ở môn điền kinh để được gọi lên tuyển tỉnh là khi chiến thắng ở giải việt dã ở cự ly 2000m liên tiếp 2 năm liền.
Mặc dù được chọn vào đội tuyển tỉnh, nhưng ban đầu bố mẹ của Hồng Lệ cũng không ủng hộ con gái dấn thân vào thể thao. Nhưng vì niềm đam mê của mình, Lệ đã thuyết phục gia đình thành công để tiếp tục theo đuổi đam mê. Sau 4 năm tập luyện ở tỉnh, Lệ đã được gọi lên đội tuyển điền kinh quốc gia, điều mà ngay cả bản thân Lệ cũng cảm thấy rất bất ngờ.
Trên tuyển, Lệ nỗ lực tập luyện mỗi ngày để cải thiện thành tích, nhưng đến cuối năm 2016, cô gái quê Bình Định phải mổ ruột thừa: “Cuối năm 2016, tôi phải mổ ruột thừa sau đó tôi tăng từ 42kg lên 47kg. Khi tăng cân thì kéo theo đó là thành tích của tôi không được cải thiện. Đó là quãng thời gian mà tôi cảm thấy khó khăn nhất kể từ khi theo nghiệp điền kinh”.
Giấc mơ trong năm tuổi
Sau 1 năm từ lúc mổ ruột thừa, Hồng Lệ ép cân, trở lại với cân nặng 42kg và bước ngoặt nữa đã đến với cô gái tuổi Mậu Dần. Đó là khi được định hướng từ HLV Trần Văn Sỹ định hướng, Lệ đã chuyển sang cự ly 42km.
Nói về bước ngoặt này, Hồng Lệ cho biết: “Lúc đầu tập 5km, 10km và 20km tôi rất sợ chạy dài. Tôi không nghĩ rằng mình có thể chạy marathon. Nhưng khi con người ở bước đường cùng thì phải cố gắng. Ở thời điểm đó, vị trí của tôi ở tuyển quốc gia bị lung lay, thành tích không còn nằm trong tốp 3 nữa. Thời điểm đó, tôi cảm thấy sợ và không muốn mất đi vị trí của mình nên quyết tâm thử sức mình, chuyển sang nội dung mới xem mình có phát triển được nữa hay không”.
Nhờ tinh thần thép và sự nỗ lực trong mỗi bước chạy mà Lệ đã vượt qua được sự sợ hãi, biến đường chạy 42km thành nội dung sở trường của mình. Thành tích của cô gái quê Bình Định ngày càng được cải thiện và tấm HCĐ ở SEA Games 2019 chính là quả ngọt.
Năm nay khi SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà, Hồng Lệ chính là niềm hy vọng vàng của Thể thao Việt Nam ở cự ly của mình. Vận động viên 24 tuổi ý thức được nhiệm vụ, trọng trách lớn lao của mình và đây cũng là cơ hội không thể tốt hơn để cô chinh phục tấm HCV ở đấu trường khu vực.
Bởi vậy, Hồng Lệ ngoài nỗ lực tập luyện hằng ngày cũng thường xuyên đăng ký các giải chạy phong trào quy mô lớn ở Việt Nam để duy trì phong độ, thông qua những giải chạy đó, Lệ khắc phục những điểm yếu của mình để phục vụ cho thi đấu đỉnh cao.
“Học thầy không tày học bạn”, bên cạnh nỗ lực tập luyện hằng ngày, Lệ cũng thường xuyên học hỏi từ người đàn chị Nguyễn Thị Oanh, vận động viên có thành tích xuất sắc nhất của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 2019. Oanh cũng là người nắm giữ nhiều kỷ lục ở đường chạy 3.000m, 5.000m hay 10.000m nên cũng chia sẻ kinh nghiệm và động viên Lệ để cả hai cùng tiến bộ hơn.
Năm 2022 là năm đặc biệt của Thể thao Việt Nam, khi chúng ta là chủ nhà của SEA Games 31. Đây là cơ hội rất tốt để Hồng Lệ cải thiện thành tích của mình để bước ra ánh sáng. Hy vọng rằng trong năm tuổi của mình, “bông hồng thép” Hồng Lệ sẽ gặt hái được thành công, mang vinh quang về cho điền kinh Việt Nam cũng như Thể thao Việt Nam./.