Các CLB hàng đầu châu Âu có thể vung ra 1 tỷ bảng để mua bán cầu thủ, khi thị trường chuyển nhượng (TTCN) mùa hè này đóng cửa. Và HLV Wenger cho rằng UEFA đang mắt nhắm hờ với tình trạng này, khi mà Luật công bằng tài chính của UEFA dường như còn quá nhiều lỗ hổng.
|
HLV Arsene Wenger.
|
“Tiền là quan trọng, nhưng không phải là điều quan trọng duy nhất trong cuộc chơi này. Chúng tôi đã xây dựng đội bóng bằng sự cần cù, và trên hết, đội bóng ấy có chất lượng, chiều sâu. Tiền mà chúng tôi hiện nay có thể chi tiêu là nhờ vào chất lượng công việc chúng tôi đã làm trong suốt những năm qua. Chúng tôi muốn tiêu tiền để làm đội bóng mạnh hơn. Nhưng chỉ tiêu tiền sẽ không đem lại chất lượng cho đội bóng.
Tiêu tiền đúng lúc và mua đúng cầu thủ cần thiết mới là chất lượng công việc, và tất nhiên, chúng tôi muốn là người tiêu tiền thông minh cho đúng người. Thật ngạc nhiên là từ khi Luật công bằng tài chính ra đời, thế giới bóng đá đang hoàn toàn trở nên điên loạn. Và người ta buộc phải đặt câu hỏi rằng Luật đó ra đời và có tác dụng gì cho bóng đá, bởi vì kể từ khi nó xuất hiện, mọi thứ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn so với trước đây”.
Đó là phát biểu của HLV Wenger khi được hỏi về tiến độ thương vụ chuyển nhượng tiền đạo Luis Suarez từ Liverpool và việc Real Madrid mới đây hỏi mua Gareth Bale của Tottenham với số tiền lên tới gần 100 triệu bảng. Vậy thế giới bóng đá có thực sự điên loạn hay không? Dường như tuyên bố của Wenger quá đúng sự thật.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế, nạn thất nghiệp trong xã hội, thất bại liên tục của các đội tuyển Anh trên đấu trường quốc tế, chỉ riêng các CLB Ngoại hạng Anh đã chi ra tới gần 350 triệu bảng trên TTCN.
Thậm chí, Gary Lineker, người theo dõi giải Ngoại hạng từ khi được thành lập, còn gọi đó là “cuộc chạy đua vũ trang”, với những CLB nhỏ như Cardiff, Norwich và Swansea đứng liền sau những Chelsea và Manchester City về số tiền đầu tư vào cầu thủ. Luật công bằng tài chính của UEFA quy định các đội bóng Ngoại hạng Anh được phép lỗ 105 triệu trong 3 năm, không giới hạn trần lương nếu tổng mức lương chi trả dưới 52 triệu bảng/năm, nếu con số này bị vượt thì chỉ được phép tăng 4 triệu bảng/năm cộng với thu nhập gia tăng từ các hợp đồng thương mại, các CLB có thể bị cấm thi đấu cúp châu Âu hoặc bị trừ điểm nếu vi phạm quy định.
Tại châu Âu, ngay sau khi lên thi đấu tại giải hạng Nhất Pháp, Monaco đã chi tới 100 triệu bảng có dư để chiêu mộ Radamel Falcao (Atletico Madrid) với giá 53 triệu bảng, James Rodriguez (Porto) – 40 triệu bảng, Joao Moutinho (Porto) – 22 triệu bảng, chưa kể các bản hợp đồng khác. Paris Saint-Germain cũng không chịu kém cạnh với bản hợp đồng chiêu mộ Edinson Cavani (Napoli) với 56 triệu bảng, Marquinhos (Roma) – 28 triệu bảng và Lucas Digne (Lille) – 13 triệu bảng.
Nhìn sang các nước khác, Barca mua Neymar với 50 triệu bảng, trong khi Gonzalo Higuain và Mario Gotze cùng có giá 32 triệu bảng khi tới Napoli và Bayern Munich. Tại Anh, Manchester City chi ra tới 90 triệu bảng cho vỏn vẹn 4 cầu thủ. Fernandino (Shakhtar Donetsk) – 30 triệu bảng, Steven Jovetic (Fiorentina) – 26 triệu bảng, Jesus Navas (Sevilla) – 15 triệu bảng và Alvaro Negredo (Sevilla) – 20,6 triệu bảng.
Wenger nổi tiếng “keo kiệt” trên TTCN, nhưng ông cũng có thể tự đả kích bản thân nếu thương vụ chiêu mộ Luis Suarez với giá 50 triệu bảng tới Arsenal trở thành hiện thực. Và Wayne Rooney vẫn chưa có quyết định dũng cảm cuối cùng là đầu quân cho Chelsea, còn Manchester United có thể thay thế “kẻ đào tẩu” bằng Cesc Fabregas hoặc Cristiano Ronaldo, nếu Real Madrid thiếu tiền để mua Gareth Bale.
Nếu các thương vụ này tiến triển, Premier League sẽ chi thêm 200 triệu bảng, và con số cuối cùng vào ngày 2/9, khi thị trường chuyển nhượng tại Anh đóng cửa, sẽ là 500 triệu bảng có dư. Vậy thì, “thế giới bóng đá đang hoàn toàn trở nên điên loạn” - đúng thế thật./.