Bóng đá Việt Nam và tham vọng ra “biển lớn”: Bắt đầu từ “quân xanh”
VOV.VN -Tấm vé tiến tới VCK giải U23 châu Á 2016 sẽ là cơ hội quý giá để các cầu thủ Olympic VN tích lũy kinh nghiệm, thi đấu cọ xát ở đấu trường châu lục.
Ở thời điểm trước khi lượt đấu cuối cùng vòng bảng diễn ra, có ý kiến cho rằng ĐT Olympic VN nếu có giành vé tới VCK giải đấu trẻ châu lục cũng chỉ làm “quân xanh” cho các cường quốc bóng đá châu Á khác nên cũng không cần phải cố quá làm gì.
Công bằng mà nói, ý kiến này không sai. Bởi dù thi đấu rất thành công tại vòng bảng và giành vé hạng 2 tới Qatar vào năm 2016 nhưng rõ ràng Olympic VN không thể so sánh với đẳng cấp của các đại diện khác tham dự VCK giải U23 châu Á.
Viễn cảnh Công Phượng và các đồng đội trở thành “quân xanh”, trở thành các đối tượng chỉ để đá tập cho các cầu thủ đến từ các cường quốc bóng đá châu lục rất có thể sẽ trở thành sự thật ở Qatar sang năm.
Nhìn thế trận hoàn toàn lép vế và co cụm phòng ngự của thầy trò HLV Miura trước Nhật Bản có thể thấy đẳng cấp chênh lệch giữa các cầu thủ Olympic VN với những đội bóng hàng đầu châu Á.
Thế nhưng, cần phải nhìn nhận rằng, với tham vọng từng bước nâng tầm bóng đá Việt Nam mà VFF đang đặt trọn niềm tin vào HLV Miura, việc bắt đầu từ vị thế “quân xanh” ở đấu trường thi đấu đỉnh cao như vậy là điều dễ hiểu và cần thiết.
Với những cầu thủ tuổi đời còn trẻ như Công Phượng và các đồng đội, việc được tiếp cận bóng đá đỉnh cao, dù chỉ là “quân xanh”, sẽ là những kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp cầu thủ của mình và VCK giải U23 châu Á 2016 là ví dụ tiêu biểu nhất.
Ngay cả “bầu” Đức đã mạnh dạn “đẩy” lứa U19 từ Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào giải đấu khốc liệt như V-League và chấp nhận làm “quân xanh”, thậm chí chấp nhận xuống hạng, đủ thấy quyết tâm thay đổi, phát triển bóng đá bền vững của người làm bóng đá nước nhà, từ việc vun đắp cho những tài năng trẻ bản lĩnh, nền tảng cơ bản và chuyên nghiệp.
Ai dám khẳng định nếu những Công Phượng, Tuấn Anh… của HAGL hay Ngọc Hải (SLNA), Huy Toàn, Hồ Ngọc Thắng (SHB Đà Nẵng)… không được “thử lửa” ở đấu trường khắc nghiệt như V-League 2015, liệu các cầu thủ này có thể thi đấu đầy chững chạc, thậm chí là dày dạn hơn hẳn những đồng đội ít được ra sân thi đấu ở giải đấu hàng đầu trong nước khác.
Bắt đầu từ xuất phát điểm hợp lý và phát triển từng bước chắc chắn, nâng tầm dần về “lượng” để bùng nổ, đổi thay về “chất” là chiến lược phát triển bền vững mà VFF đang triển khai với tham vọng đưa bóng đá nước nhà vươn ra “biển lớn”.
Ngay cả một lãnh đạo của VFF sau thành công của ĐT Olympic VN vừa qua trên đất Malaysia cũng khẳng định rằng những thành công và mục tiêu phát triển lâu dài của các cầu thủ trẻ cần được tính toán kỹ lưỡng, có thể là đặt ra ở mức dè dặt.
Tại Merdeka Cup 1966, bóng đá Việt Nam với những danh thủ một thời như Phạm Huỳnh Tam Lang, Phạm Văn Rạng… từng giành chiến thắng trước Nhật Bản sau đó đăng quang tại giải đấu này ngay trên đất Malaysia.
Người Nhật sau đó cũng thừa nhận chỉ làm “quân xanh” và học tập mô hình phát triển bóng đá Việt Nam khi đó và giờ họ đã thành công khi trở thành một trong những cường quốc hàng đầu của bóng đá châu lục và thậm chí là tầm cỡ thế giới.
Nhìn cách HLV Miura xây dựng nền tảng cơ bản với thể lực cùng tinh thần thi đấu đầy quyết tâm và tư duy bóng đá hiện đại cho các cầu thủ trẻ, có thể thấy chiến lược gia người Nhật Bản, với những toan tính dài hơi, đã quán triệt tinh thần “phát triển bền vững” để nâng tầm bóng đá Việt Nam.
Vậy, chấp nhận làm “quân xanh”, lùi một bước để tiến hai, ba hay nhiều bước hơn nữa, cũng đâu có gì sai?./.