Người Anh sạch bóng trời Âu: Lỗi đâu phải chỉ mùa đông ?
VOV.VN -Có ý kiến cho rằng các CLB Anh bị vắt kiệt sức bởi không có kỳ nghỉ đông nhưng có nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới phong độ bết bát của họ ở trời Âu.
Thất bại nặng nề 2-5 trên sân của Dynamo Kyiv rạng sáng nay của Everton ở sân chơi Europa League cũng là lúc người Anh hiểu rằng xứ sở xương mù đã sạch bóng đại diện ở cúp châu Âu mùa này.
Không tiếc nuối như Arsenal và Chelsea (bị loại bởi luật bàn thắng trên sân khách), Everton rời Europa League khi để thua 4-6 chung cuộc trước đại diện của Nga theo cách “tâm phục, khẩu phục” như Man City gục ngã trước Barca trước đó 1 ngày.
Cơn ác mộng tất cả các đại diện không thể có mặt ở tứ kết Champions League 2 trong 3 năm gần nhất không khiến người Anh mất đi 4 tấm vé dự đấu trường danh giá nhất châu lục dù trình diễn phong độ bết bát ở trời Âu trong những năm gần đây.
Nhiều ý kiến từ các HLV cho rằng việc không có kỳ nghỉ đông cùng lịch thi đấu dày đặc ở Premier League khiến bóng đá Anh phải trả giá đắt khi các cầu thủ bị vắt kiệt sức và thể hiện phong độ nhạt nhòa trước các đội bóng đối thủ ở các quốc gia khác.
Thế nhưng, các con số thống kê cho thấy, Chelsea tính đến thời điểm bị PSG loại khỏi Champions League đã chơi 44 trận trong khi con số này của đại diện nước Pháp đã là 45. Tương tự, Man City trải qua 42 trận đấu trong khi Barca là 44 trước khi hai đội gặp nhau ở vòng loại trực tiếp giải đấu danh giá nhất châu Âu.
Thậm chí, Chelsea còn có 2 ngày nghỉ hoàn toàn cùng 1 tuần không phải thi đấu để chuẩn bị cho trận đấu với PSG trên đất Pháp. Chỉ có duy nhất Arsenal mất sức nhiều hơn đối thủ khi đã chơi 45 trận trong khi AS Monaco chỉ là 44.
Nghịch lý nằm ở chỗ, Messi, cầu thủ tỏa sáng rực rỡ trong trận lượt về trước Man City đã có 3.531 phút thi đấu trên sân kể từ đầu mùa, còn Ronaldo (Real) là 3.323 phút thì các con số này của Alexis Sanchez (Arsenal) và Eden Hazard (Chelsea) lần lượt là 3.326 và 3.539 phút.
Điều này cho thấy phong cách thiên về thể lực cũng như mức độ khắc nghiệt ở giải Ngoại hạng Anh. Và đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới phong độ kém cỏi của các CLB xứ sở sương mù ở đấu trường châu lục.
Đã quá lâu kể từ khi Liverpool, Nottingham Forest và Aston Villa đăng quang ở các cúp châu Âu và người Anh thống trị lục địa già trong những năm 1970. Cũng 7 năm trôi qua kể từ mùa 2008-2009 khi MU và Chelsea dắt tay nhau vào chung kết Champions League còn vòng tứ kết có tới 4 đại diện của Anh, thể hiện sự vượt trội của bóng đá xứ sở sương mù.
Không phải thể lực – vấn đề của các đội bóng Anh nằm ở tư duy và chiến thuật chơi bóng. Tính riêng ở Champions League mùa này, Chelsea mới chỉ tung ra 1.083 đường chuyền, Man City còn thấp hơn với 808 – thua kém hoàn toàn so với đội dẫn đầu Bayern Munich với 1.320 đường chuyền.
Arsenal, dù liên tục bị lên án vì không “trọng dụng” nhiều cầu thủ bản xứ nhưng thực tế lại mang hơi hướm và tư duy chơi bóng khác khi xếp thứ 2, sau Bayern Munich với 1.306 đường chuyền tính đến thời điểm này ở giải đấu danh giá nhất châu lục.
Trong 3 mùa đăng quang ở Champions League, Barca đều đứng đầu với tỷ lệ chuyền bóng cao nhất mỗi trận với các thông số lần lượt là 522 (2006), 587 (2009) và 775 (2011). Trong khi đó, Liverpool thành ông vua châu Âu năm 2005 dù chỉ tung ra 387 đường chuyền mỗi trận còn MU là 414 (2008) và Chelsea là 423 (2012).
Tương tự, khả năng kiểm soát bóng trung bình mỗi trận của các đội bóng Anh hoàn toàn lép vế với 50,6%/trận so với 52,2% (Tây Ban Nha) và 56,6% (Đức). Người Anh cũng chưa tìm thấy thủ lĩnh trên sân thật sự như Andrea Pirlo (Italia), Xavi (Tây Ban Nha) hay Schweinsteiger (Đức)…
Luật công bằng tài chính không thể làm khó các đội bóng Anh dù luôn “thả phanh” mua sắm nhờ một phần từ nguồn tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình ở Premier League. Thế nhưng, sự ổn định và cân bằng đã không còn trong các chiến lược mua sắm bởi các HLV bị cô lập và không còn tiếng nói so với đội ngũ hùng hậu những giám đốc thể thao, chuyên viên tài chính trong các thương vụ chuyển nhượng.
Cũng có thể kỳ nghỉ đông là cần thiết với các CLB của Anh, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu các cầu thủ xứ sở sương mù chịu chuyền bóng nhiều hơn trên sân, thay đổi tư duy chơi bóng hay các đội bóng tiếp tục đầu tư tốt nhất có thể cho các học viện bóng đá trẻ./.