Ông Hồng Minh: “Thể thao người khuyết tật cần các doanh nghiệp”
VOV.VN -Tổng cục TDTT Việt Nam- ông Hồng Minh khẳng định, những doanh nghiệp lớn cần chung tay góp sức để thúc đẩy thể thao người khuyết tật.
Sáng nay (21/9), đoàn thể thao người khuyết tật (TT NKT) Việt Nam đã về nước, sau một kỳ Paralympic thành công nhất trong lịch sử. Tại Paralympic 2016 tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil), đoàn TT NKT Việt Nam đã giành được 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ, xếp hạng 55 chung cuộc. Đây là lần đầu tiên sau 5 kỳ tham dự Paralympic, chúng ta mới giành được huy chương.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban TDTT nay là Tổng cục TDTT Việt Nam, đã chia sẻ với Thành Lương, PV Đài TNVN, về những suy nghĩ của ông đối với thành tích chói sáng của các VĐV người khuyết tật Việt Nam.
Tổng cục TDTT Việt Nam- ông Nguyễn Hồng Minh: "Thể thao người khuyết tật cần các doanh nghiệp". |
PV: Thưa ông, ông có đánh giá gì về thành công của đoàn TT NKT Việt Nam tại Paralympic 2016?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Đây cũng là một kỳ tích rất đáng trân trọng, đáng khen ngợi. Nó có ý nghĩa rất lớn, cổ vũ những người khuyết tật VN, nhất là những người khuyết tật theo đuổi thể thao. Hiện nay trên thế giới có khoảng 600 triệu người khuyết tật.
Tại Việt Nam, khi mà phong trào thể thao khuyết tật phát triển sau chiến tranh, lần đầu tiên tổ chức tại Quảng Trị, người ta thấy đó là cuộc thi của nước mắt, sự trân trọng và cảm động khi chứng kiến những người lính tham gia cuộc thi. Nó là sự nỗ lực vô cùng to lớn. Đó là hình ảnh của những VĐV đầu tiên tham gia marathon ở New York, chạy bằng 2 cái chân giả mà đầu gối chảy máu.
Olympic và Paralympic là cổ vũ tất cả mọi người, kể cả khuyết tật, vươn lên trong cuộc sống. Nhưng mục đích của 2 điều đó khác nhau. Với Olympic, đó là sáng tạo những thành tích mang lại vinh quang cho đất nước. Với Paralympic, đó là cổ vũ những người khuyết tật vươn lên, vượt qua số phận thiệt thòi của mình trong cuộc sống. Vì vậy, trong dư luận Việt Nam và quốc tế khi so sánh 2 điều này với nhau là hoàn toàn khập khiễng, không giống nhau.
Những người hùng Paralympic trở về trong vòng tay người hâm mộ
PV: Phải tới lần thứ 5 tham dự, chúng ta mới giành được một tấm huy chương Paralympic, phải chăng đây là kết quả của nỗ lực hoạt động duy trì và phát triển phong trào thể thao người khuyết tật tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Đây là thắng lợi của sự kiên trì. Tôi theo dõi, anh Vũ Thế Phiệt vốn là một VĐV điền kinh xuất sắc của Việt Nam. Suốt bao nhiêu năm anh luôn kiên trì, theo đuổi xây dựng CLB khuyết tật, chủ trì để thúc đẩy, sau là liên kết với TPHCM, Tây Ninh và các địa phương khác để phát triển phong trào thể thao khuyết tật.
Với thắng lợi này đã đánh dấu một kết quả kiên trì, nỗ lực theo đuổi suốt mấy chục năm. Những người lãnh đạo phong trào thể thao khuyết tật có quyền tự hào về điều ấy, xứng đáng nhận được sự trân trọng của toàn xã hội và những người yêu mến thể thao.
Paralympic Rio 2016 chính thức khép lại bằng lễ bế mạc ấn tượng
PV: Vậy hướng đầu tư và cách làm thể thao khuyết tật trong thời gian tới nên được triển khai như thế nào để duy trì thành tích này một cách ổn định, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Hướng đầu tư, cách đầu tư và quan niệm giữa người thể thao thành tích cao và thể thao khuyết tật là hoàn toàn khác nhau. Nếu thể thao thành tích cao cần xã hội hóa nhiều hơn, thì hướng đầu tư tiếp theo cho thể thao NKT cũng chính là sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, không quá lệ thuộc vào sự đầu tư của Nhà nước. Các nhà doanh nghiệp lớn cần quan tâm tới vấn đề này, bởi ý nghĩa xã hội của những hành động như thế sẽ lớn hơn rất nhiều.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông.