Thể thao Việt Nam 2015: Thách thức đi đều “2 chân“
VOV.VN -Năm 2015 là năm đầy thách thức và cũng không ít cơ hội của Thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực cũng như thế giới.
Năm 2015 chứng kiến Thể thao Việt Nam (TTVN) phải đối mặt với 2 thách thức lớn: thi đấu thành công tại SEA Games, chiến thắng ở vòng loại các môn thể thao, giành suất dự Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil).
Việc đoàn TTVN chỉ giành 1 tấm HCV tại Asian Games 17 tại Hàn Quốc trong năm 2014 cho thấy nhiều điểm “khuyết” của VĐV, HLV và chính những nhà quản lý thể thao nước nhà, nhưng cũng đồng thời ghi nhận chiến lược đầu tư trọng điểm cho các VĐV tiềm năng có khả năng giành suất, hoặc giành huy chương tại Olympic 2016 sắp tới đang đi đúng hướng.
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam, nêu rõ: “Những yêu cầu đối với ngành TDTT, thể thao thành tích cao phải phấn đấu có thành tích tốt ở châu lục, như là ở đấu trường thế giới, đặc biệt là đấu trường Olympic. Vì vậy, đối với việc đầu tư dàn trải như thời gian vừa qua thì không thể đạt được những thành tích, mục tiêu như vậy. Bởi vì các nước, người ta đầu tư rất lớn cho các vận động viên trọng điểm để dành thành tích cao, nếu chúng ta cứ đầu tư theo hướng cũ thì chúng ta không thể có những vận động viên có thành tích cao”.
Theo thống kê của Tổng cục TDTT, tại Asian Games 2010, các môn Olympic mang về 15 huy chương. 4 năm sau đó, có tổng cộng 26 huy chương thuộc về các môn Olympic. Và tại Asian Games vừa qua, dù chỉ có 10 môn Olympic/20 môn tham dự, nhưng các VĐV Olympic cũng giành tới 2/3 số huy chương đoạt được của đoàn Việt Nam.
“Năm 2015, chúng tôi tiếp tục theo định hướng cũ, đẩy mạnh đầu tư cho các VĐV trọng điểm ở các nội dung, những môn thể thao trọng điểm, những môn thể thao mũi nhọn mà chúng ta có thế mạnh, ví dụ như: cử tạ, bơi lội, điền kinh, bắn súng hay là thể dục dụng cụ và một số môn thể thao khác. Chúng ta sẽ chọn những VĐV, những nội dung mà chúng ta có ưu thế, phù hợp với tố chất của con người Việt Nam”, ông Vương Bích Thắng nhấn mạnh.
Với kế hoạch, mục tiêu như vậy, chiến dịch chuẩn bị của các đội tuyển thể thao Việt Nam dự SEA Games 28 tại Singapore vào tháng 6 tới cũng được xem như bước đệm, đợt tập huấn quan trọng, không chỉ giành thành tích tại Đại hội thể thao của khu vực, mà còn hướng đến mục đích thi đấu thành công tại vòng loại Olympic 2016.
“Chúng tôi đã chuẩn bị và trao đổi với các BHL, chỉ đạo các bộ môn để chuẩn bị lực lượng tốt nhất, và chúng ta phấn đấu với mục tiêu các môn thể thao Olympic là những môn đạt thành tích cao nhất và phải top đầu khu vực. Mặt khác, chúng ta chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn hơn Asiad 2018 và Olympic 2020”, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, người có nhiều năm gắn bó với thể thao thành tích cao nước nhà, cho biết.
Nếu như mục tiêu của đoàn TTVN tại SEA Games là bảo đảm tốp 3 đoàn đứng đầu khu vực, chỉ tiêu đặt ra cho các đội tuyển thể thao Việt Nam tại vòng loại Olympic là giành 18-20 suất chính thức thi đấu. Đây thực sự là những áp lực và thách thức không nhỏ đối với toàn ngành trong năm 2015./.