Tương lai u ám của ĐT bóng gỗ Việt Nam: Từ lời kêu cứu của “Nữ hoàng”
VOV.VN - “Nữ hoàng bóng gỗ” Phan Thị Phượng gửi đơn kiến nghị về những bất cập trong vấn đề lương, thưởng cho VĐV và tương lai u ám của ĐT bóng gỗ Việt Nam.
Lương “bèo bọt” và chậm thường xuyên
Bóng gỗ với nhiều người hâm mộ thể thao vẫn là bộ môn khá xa lạ. Việc không nhận được nhiều sự quan tâm, dẫn tới thực trạng khó khăn để xã hội hóa nên những VĐV ở ĐT bóng gỗ Việt Nam vẫn thường chỉ biết ngậm ngùi vì không thể “bằng bạn, bằng bè”.
"Nữ hoàng" bóng gỗ Việt Nam Phan Thị Phượng. |
Ngay cả khi tiến ra vũ đài thế giới, với những tấm HCB thế giới đầu tiên tại Hải Nam, Trung Quốc của “nữ hoàng bóng gỗ” Phan Thị Phượng ở các nội dung đôi nam nữ và đồng đội, đây vẫn là bộ môn phải nhận nhiều thiệt thòi so với các môn thể thao được đầu tư trọng điểm khác.
Không nản chí, sau những thành công ở giải châu Á tại ABG4 trên đất Phuket, Thái Lan và đặc biệt là việc đổi màu huy chương thành công tại ABG5 diễn ra trên sân nhà, những tưởng bóng gỗ Việt Nam sẽ hướng đến tương lai tươi sáng hơn và nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Nhưng đời không như là mơ.
Clip tập luyện của nữ hoàng bóng gỗ Việt Nam Phan Thị Phượng
Là người “mở hàng” HCV cho Đoàn TTVN tại ABG5 cùng những thành công vang dội ở đấu trường thế giới nhưng một trong những gương mặt ưu tú nhất của bóng gỗ Việt Nam là Phan Thị Phượng sau giải đấu vẫn phải hài lòng với mức lương “còm cõi” hơn 2 triệu đồng/tháng, chưa kể lương, thưởng chậm thường xuyên.
“Thật sự với những VĐV bóng gỗ chúng tôi luôn trăn trở và bị giằng xé bởi suy nghĩ tiếp tục nỗ lực vì đam mê hay từ bỏ do gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Từ tháng 2/2017, cả ĐT bóng gỗ Việt Nam có 17 người mà mới 5 người được trả lương hai tháng 3 và 4, còn lại tất cả vẫn như món nợ xấu khó đòi”, Phan Thị Phượng chia sẻ.
Rất nhiều lý do được đưa ra từ các cấp lãnh đạo và lãnh đội như trục trặc trong việc làm thẻ thanh toán ngân hàng cho VĐV, cho tới câu nói muôn thuở “đang giải quyết, cứ tiếp tục chờ” đã quá quen thuộc khiến các tài năng bóng gỗ hiện tại quay quắt trong nỗi lo cơm áo, gạo tiền với mức tiền công 40.000 và 80.000 đồng/ngày ở các VĐV tuyến 1 và 2.
Phùng Thị Thương, sinh năm 1998, một trong những VĐV mang “vàng” về cho thể thao Việt Nam tại ABG5 đã nộp đơn xin nghỉ, không tiếp tục niềm đam mê bóng gỗ để về nhà, dù vẫn chưa biết phải làm nghề gì. Đây cũng là một trong những lý do phổ biến ở ĐT bóng gỗ Việt Nam bởi từ ngày thành lập, phân nửa số VĐV đã nói lời chia tay với đam mê vì lý do khó khăn kinh tế.
Sự việc không dừng lại ở VĐV, ngay cả thành phần BHL, HLV đội trẻ là Phạm Duy Khánh cũng đã hoàn tất thủ tục bàn giao công việc ở đội tuyển sau 7 tháng ròng rã không được nhận lương. “Con tôi tính đến giờ là 8 tháng rồi mà 7 tháng qua tôi không được nhận một đồng lương nào, vợ tôi thì nghỉ nửa năm theo chế độ. Cũng chẳng ai muốn phải chia tay đam mê của mình, nhưng tôi không còn cách nào khác”, HLV đội trẻ Duy Khánh chia sẻ với VOV.VN.
Kế hoạch tập huấn và thi đấu của ĐT bóng gỗ Việt Nam đã được phê duyệt từ tháng 2/2017. |
Giọt nước tràn ly
Dù vẫn kiên nhẫn chờ đợi cơ hội chinh phục vũ đài thế giới với ước mong “đổi đời” qua các chuyến tập huấn trong nắng gió và mưa bão, các VĐV của ĐT bóng gỗ Việt Nam đột ngột nhận được tin “sét đánh ngang tai” khi tất cả không được tham dự giải vô địch thế giới bãi biển được tổ chức ở Indonesia vào tháng 8 tới cũng như xa hơn là giải vô địch châu Á ở Trung Quốc vào tháng 11.
Điều đáng nói, kế hoạch tham dự hai giải đấu này đã được Sở Văn hóa – Thể thao phê duyệt từ tháng 2/2017, trong đó ghi chú rõ ràng lịch tập huấn và đi thi đấu cùng thời gian. Bên cạnh đó, các VĐV cũng được Trưởng bộ môn phát tờ cam kết – thủ tục thường lệ trước mỗi lần đi thi đấu giải để kê khai thành tích.
Kế hoạch tham dự hai giải đấu vô địch thế giới và châu Á của ĐT bóng gỗ Việt Nam đã được phê duyệt nhưng phút chót tất cả đều phải... ở nhà. |
“Chúng tôi được đi tập huấn tại Thanh Hóa nhằm phục vụ cho giải vô địch thế giới bãi biển từ tháng 3 và 4. Thế nhưng chỉ 17 ngày trước giải, tất cả toàn đội đều ngỡ ngàng vì phải… ở nhà. Liên lạc với Sở Văn hóa – Thể thao thì chúng tôi nhận được thông tin kế hoạch dự giải vẫn chưa được trình lên, trong khi Lãnh đạo bộ môn lại lý giải rằng Tổng cục Thể dục Thể thao không đồng ý để ĐT bóng gỗ Việt Nam dự 2 giải này”, chuyên gia gắn bó cùng bóng gỗ Việt Nam từ năm 2009 Hà Khả Luân bức xúc nói.
Tin nhắn của chuyên gia ĐT bóng gỗ Việt Nam Hà Khả Luân gửi tới Trưởng bộ môn ĐT bóng gỗ Việt Nam về hành trình và vé máy bay để tham dự giải vô địch thế giới theo yêu cầu. |
PV VOV.VN đã liên lạc để làm rõ việc này với Lãnh đạo bộ môn bóng gỗ cùng Lãnh đạo Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Chúng tôi sẽ chuyển tới bạn đọc những diễn biến mới nhất về vụ việc ở ĐT bóng gỗ Việt Nam sau lời “kêu cứu” của “nữ hoàng” Phan Thị Phượng ở những kỳ tiếp theo./.