Vụ cá độ ở V.Ninh Bình: Giận thì giận, thương thì thương
VOV.VN - "Giận thì giận, thương thì thương" bởi xét cho cùng, các cầu
thủ cũng chỉ là nạn nhân của một hệ thống quản lý lỏng lẻo, thụ động.
thủ cũng chỉ là nạn nhân của một hệ thống quản lý lỏng lẻo, thụ động.
Khi tài năng của đôi chân không thể cứu nổi sai lầm của những cái đầu ở thời điểm nhận thức bị lòng tham lấn át, những cầu thủ “nhúng chàm” ở đội bóng cố đô Hoa Lư, trong đó có những gương mặt trẻ đầy triển vọng của bóng đá nước nhà như Trần Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng, Gia Từ… đã tự hủy hoại cả tương lai trước mắt. Họ không chỉ tự chấm dứt sự nghiệp của mình mà còn làm ảnh hưởng tới các đồng đội khác ở CLB V.Ninh Bình, khi “bầu” Trường đã thống nhất cùng Giám đốc điều hành Phạm Văn Lệ quyết định giải tán đội bóng.
Với việc bán độ của các cầu thủ V.Ninh Bình bị phanh phui, việc giải tán đội bóng được coi là điều hợp lý (Ảnh: Minh Hoàng) |
Giám đốc điều hành CLB - Phạm Văn Lệ cho biết: “Tôi đã ký văn bản xin tạm dừng tất cả các giải đấu, kể cả AFC Cup để phục vụ công tác điều tra một nhóm cầu thủ đang bị nghi ngờ về phong độ thi đấu. Nói thẳng ra, bây giờ không phải nghi án nữa mà là một vụ án rất nghiêm trọng”.
Việc V.Ninh Bình quyết định không tiếp tục tham dự V-League khiến cả VFF và VPF “đôn đáo” triệu tập Ban lãnh đạo tất cả các đội bóng để tìm ra phương án tốt nhất trong phần còn lại của mùa giải, cũng như bốc thăm, tính toán xếp lịch thi đấu ở giai đoạn lượt về. Những phương án đã được Ban tổ chức đưa ra nhằm cứu vãn, tránh kết cục một mùa giải “đá cho vui”, không có đội xuống hạng như năm ngoái khi Xi măng Xuân Thành Sài Gòn ‘đùng đùng’ bỏ giải giữa chừng.
Niềm tin từ người hâm mộ cũng cạn dần theo thời gian, sau khi phải chứng kiến quá nhiều kết cục buồn của những gương mặt được xem là triển vọng của bóng đá nước nhà như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh… ngày nào và giờ là những Mạnh Dũng, Quang Hùng… Nhưng giận thì giận, mà thương thì thương. Bởi xét cho cùng, chính những cầu thủ đó cũng chỉ là nạn nhân của cả một hệ thống quản lý lỏng lẻo, thụ động của những người làm bóng đá, mà lại sợ trách nhiệm và chỉ biết chuyền “quả bóng” trách nhiệm đó cho nhau.
Vụ việc tiêu cực ở CLB V.Ninh Bình cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người đang làm bóng đá, xem xét lại hệ thống quản lý mới chỉ đáp ứng tiêu chí “cho có”, chứ chưa thể gần gũi, đảm bảo sâu sát quyền lợi cho các cầu thủ. Để không còn ai bị “sốc” như hoàn cảnh của HLV Nguyễn Văn Sỹ khi hay tin mình bị các học trò phản bội niềm tin: “Tâm trạng của bất kỳ ai rơi vào tình cảnh này đều rất đau buồn và rất sốc, nhất là khi mình lại là HLV trưởng của đội bóng. Đây là trách nhiệm chung với CLB, muốn làm điều gì đó tốt nhất cho đội bóng, cũng như là sự phát triển của CLB”.
Vụ việc xảy ra không chỉ là vấn đề với cá nhân, với các thành viên của đội bóng mà với cả CLB và nền bóng đá nước nhà (ảnh: Minh Hoàng) |
Đã đến lúc những người có trách nhiệm phải kiên quyết hơn trong công cuộc “làm sạch” nền bóng đá nước nhà, thay vì những động thái hời hợt, thoái thác trách nhiệm với lời biện minh muôn thuở: “thiếu chứng cứ”. Bởi “chứng cứ” – chính là “món quà” mà ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã tìm ra để tặng VFF cũng như VPF trong vụ việc tiêu cực ở đội bóng cố đô Hoa Lư, dù kết quả có thể là phải hy sinh “đứa con” tinh thần đã cưu mang, nuôi dưỡng bấy lâu nay, như thừa nhận của Giám đốc điều hành Phạm Văn Lệ: “Thực ra chúng tôi đã lường trước hết tất cả mọi việc, kể cả là có thể bị cấm thi đấu 1 năm, 2 năm cho đến 3 năm. Bởi phạm vi của sự việc không còn ở CLB nữa mà còn ở phạm vi cả nền bóng đá Việt Nam. Tôi hy vọng quyết định của chúng tôi là đúng đắn, và cần thiết cho nền bóng đá Việt Nam từng bước được làm trong sạch. Chúng tôi cũng hy vọng với quyết định này, người hâm mộ cả nước sẽ hiểu, thông cảm và ủng hộ”.
Phải chăng đã đến lúc những cơ quan quản lý điều hành bóng đá nước nhà như VFF và VPF rút ra những bài học cho riêng mình, trước cơ hội làm lại từ đầu./