Tranh cãi dữ dội việc áp dụng công nghệ trong bóng đá

IFAB và FIFA vẫn chấp thuận thử nghiệm Goalref (gắn chip vào trái bóng) và Hawk-Eyes (mắt diều hâu) ở Confederations Cup 2013 và World Cup 2014.

Việc thử nghiệm áp dụng công nghệ trong bóng đá không chỉ gây nhiều phản ứng trong dư luận, mà còn khiến mối quan hệ giữa FIFA và UEFA sứt mẻ từng ngày.

Công nghệ mắt diều hâu (Hawk-Eyes) trong thi đấu quần vợt.
Hôm qua (8/7), trước những phản ứng từ Chủ tịch UEFA - Michel Platini và dư luận, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter khẳng định: “Quyết định của Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB) về áp dụng công nghệ vào các trận đấu bóng đá là một quyết định lịch sử và hiện đại trong 108 năm tồn tại của FIFA. Đó sẽ là một kỹ thuật và chiến thuật mới để hỗ trợ trọng tài trong tình cảnh bàn thắng ngày càng rất khó được thực hiện. Platini là người quản lý bóng đá của một châu lục, ông ấy nên hướng đến những mục tiêu để làm bóng đá hấp dẫn hơn và ít tranh cãi. Riêng tôi, áp dụng công nghệ trong bóng đá sẽ là mục tiêu hàng đầu nếu tôi vẫn còn ở cương vị Chủ tịch FIFA”.

Ý kiến của ông Blatter được đưa ra sau khi Platini cực lực phản đối việc áp dụng công nghệ trong bóng đá. Cựu danh thủ người Pháp cho rằng quyết định của IFAB là sai lầm. “Theo tôi, việc sử dụng hệ thống 5 trọng tài sẽ hợp lý nhất”, ông Platini nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Platini, đa phần dư luận cũng tỏ ra không mấy mặn mà với việc FIFA ủng hộ quyết định của IFAB. Bởi, việc áp dụng công nghệ bàn thắng có thể phá nát sự hấp dẫn, kịch tính và cả cảm xúc của các trận đấu do có thể bị gián đoạn liên tục, mất thời gian.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng hai hệ thống Goalref (gắn chip vào trái bóng) và Hawk-Eyes (mắt diều hâu) có thể hỏng bất cứ lúc nào.

Dẫu vậy, IFAB và FIFA vẫn giữ nguyên quan điểm chấp thuận thử nghiệm để chính thức áp dụng công nghệ ở Confederations Cup 2013 và World Cup 2014 sắp tới, đồng thời toàn cầu hóa ý tưởng trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên