Vì sao Tokyo giành quyền đăng cai Olympic 2020?
VOV.VN - Tokyo đã đánh bại Istanbul và Madrid để trở thành một trong những thành phố hiếm hoi 2 lần đăng cai Olympic.
Sự ủng hộ của Thủ tướng Shinzo Abe
Đích thân ông Abe đã có mặt tại vòng bỏ phiếu ở Buenos Aires hôm 8/9 để hồi hộp chờ đợi việc IOC bỏ phiếu cho thành phố đăng cai Olympic 2020. Trước đó, cũng chính ông Abe là người đã ra sức kêu gọi đưa Olympic về với Tokyo. Những lời hứa của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã tạo ra sức thuyết phục với Uỷ ban Olympic Quốc tế.
Thủ tướng Abe cùng đoàn vận động đăng cai Olympic của Nhật Bản ăn mừng chiến thắng (Ảnh: Reuters). |
Những lời hứa của Thủ tướng Abe được đưa ra trong bối cảnh dư luận lo ngại về nước nhiễm xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Nên nhớ rằng, địa điểm xảy ra thảm hoạ hạt nhân chỉ cách Tokyo có 250km về phía Đông Bắc.
Trong bài phát biểu cuối cùng để vận động giành quyền đăng cai cho Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản đã mạnh dạn đề cập tới vấn đề Fukushima. Ông Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn các thành viên của IOC không nên tập trung vào những gì báo chí đã đề cập tới mà nên quan tâm tới những gì chúng tôi đã làm được. Mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Chất lượng nước uống (của Nhật Bản) được làm theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.
Thủ tướng Abe kể một câu chuyện: “Ở vùng bị thiên tai nặng nề, tôi gặp đứa bé cầm một quả bóng do cầu thủ nước ngoài trao tặng. Với đứa bé, quả bóng không chỉ là bóng đá mà còn là niềm hi vọng ở tương lai. Hôm nay, dưới bầu trời xanh của Fukushima, có nhiều đứa bé đang chơi bóng đá và hướng tới tương lai”.
Những hành động của Thủ tướng Abe làm người ta nhớ lại một người tiền nhiệm của ông, Nobusuke Kishi, người đưa Olympic 1964 về với Tokyo.
Chiến thắng tuyệt đối của “sức sống” Nhật Bản
Việc được chọn làm nước chủ nhà của Olympic 2020 được Nhật Bản coi như một cơ hội tuyệt vời để gửi lời tri ân cho toàn bộ nhân loại. Tháng 3/2011, Nhật Bản oằn mình chịu thảm hoạ kép động đất – sóng thần và cả thế giới đã hướng về Nhật Bản để sẻ chia.
Thị trưởng Tokyo Naoki Inose tin rằng kỳ Olympic này sẽ giúp Nhật Bản hồi phục: “Bằng việc tổ chức Olympic 2020, chúng tôi sẽ tạo ra hy vọng đồng thời tăng nhanh quá trình hồi phục của khu vực chịu thảm họa sóng thần”.
Chủ tịch IOC Jacques Rogge công bố Tokyo là thành phố đăng cai Olympic 2020 (Ảnh: AFP). |
Tokyo đã giành chiến thắng khá xa trước hai thành phố còn lại là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Madrid (Tây Ban Nha). Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, Tokyo nhận được 42 phiếu, trong khi Istanbul và Madrid cùng được 26 phiếu khiến Istanbul và Madrid phải vào vòng bỏ phiếu phụ, sau đó Istanbul giành chiến thắng với số phiếu 49 so với 45. Vượt qua Madrid, Istanbul lọt vào vòng bỏ phiếu thứ hai với Tokyo nhưng chịu thất bại khá xa, chỉ nhận được 36 phiếu so với 60 phiếu của Tokyo.
Việc Tokyo giành chiến thắng áp đảo thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người Nhật đến mức nào. Vài ngày trước vòng bỏ phiếu tại thủ đô Argentina, Chính phủ của ông Abe đã thông qua gói tài chính trị giá 47 tỷ Yen để xử lý nước ô nhiễm. Đây được coi là “đòn quyết định” trong việc Tokyo giành quyền đăng cai Olympic. Nó thể hiện một điều rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào đi chăng nữa thì Nhật Bản vẫn thể hiện họ biết cách vượt qua và biến nó thành cơ hội để quảng bá cho tinh thần Nhật Bản.
Tsunekazu Takeda - trưởng ban vận động cho Olympic Tokyo 2020, thành viên IOC - nói với AFP: “Gia đình Olympic đã đặt niềm tin rằng thành phố chúng tôi sẽ tạo ra một kỳ thế vận hội đáng nhớ. Do đó, Nhật Bản sẽ thể hiện lòng hiếu khách tuyệt hảo với bạn bè bốn phương. Khảo sát mới nhất cho biết 92% người dân Nhật ủng hộ Olympic Tokyo 2020, vì vậy, tôi tự tin nói rằng ngay bây giờ 116 triệu người Nhật đang nở nụ cười hạnh phúc”./.